Đắk Lắk: Đi tìm họa tiết thổ cẩm Mnông
Huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk là cái nôi nghề dệt thổ cẩm của người Mnông. Tuy nhiên, đồng bào Mnông ngày càng ít sử dụng trang phục truyền thống, số người duy trì nghề dệt cũng thưa dần, họa tiết thổ cẩm truyền thống nguyên bản dần biến mất. Đau đáu tìm tinh hoa thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình, bà H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk lặn lội đi khắp các buôn làng tìm người am hiểu để hồi sinh thổ cẩm Mnông.
Phụ nữ Mnông bên khung dệt
Hồi sinh thổ cẩm Mnông
Nhà cộng đồng buôn Lê, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk nằm xen giữa hàng chục ngôi nhà truyền thống của người Mnông. Ở đó, chị em phụ nữ dân tộc Mnông yêu nghề vẫn miệt mài bên khung cửi, tiếng lách cách dệt vải vẫn nhịp nhàng mỗi ngày giữa không gian tĩnh lặng của buôn làng.
Chăm chú luồn từng sợi tơ tằm xanh thắm rồi ngắm chiếc khăn thổ cẩm họa tiết truyền thống nguyên bản của dân tộc Mnông đang dần hoàn thiện, chị H’Sen H’Mốk (SN 1980) tươi cười bảo: Thời gian đầu học dệt họa tiết mới, thấy rất khó. Vì dệt họa tiết nguyên bản của dân tộc Mnông rất nhiều sợi, khó xếp, nhất là khi dệt bằng sợi tơ tằm, chỉ tre sợi nhỏ càng làm mất nhiều thời gian hơn. Nhưng khi dệt thành hình rồi, họa tiết nổi trên tấm thổ cẩm, càng ngắm càng thấy đẹp. Giờ quen rồi, tay nghề nâng cao, dệt họa tiết nguyên bản đã dễ hơn.
Là người con của buôn làng Mnông, bà H’Kim Hoa Byă mong muốn hồi sinh thổ cẩm của dân tộc mình, bà không ngại lặn lội đến nhiều buôn làng tìm người am hiểu thổ cẩm, rồi tìm người tâm huyết để trao truyền.
Trong một chuyến công tác tại huyện Lắk giữa năm 2023, bà H’Kim Hoa hữu duyên bắt gặp nhóm phụ nữ dệt thổ cẩm dưới chân nhà cộng đồng buôn Lê với những tấm thổ cẩm nhiều hoa văn, họa tiết. Bà Hoa quyết định hỗ trợ để nhóm dệt lưu giữ và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống này. Tháng 11/2023, bà H’Kim Hoa làm việc với địa phương, tạo điều kiện cho chị em được dệt thổ cẩm trong nhà cộng đồng buôn. Bà hỗ trợ nguyên liệu dệt (chỉ, sợi) và tìm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm. Nhóm dệt từ vài người, nay đã thu hút 13 chị em thường xuyên dệt.
Nhóm dệt dần đông hơn, song bà H’Kim Hoa vẫn trăn trở, vì trong nhóm dệt, không ai biết dệt hoa văn truyền thống nguyên bản của dân tộc Mnông. Mỗi chuyến công tác về cơ sở, bà lại nhờ người quen, đồng nghiệp, bạn bè và bà con trong các buôn tìm giúp người hiểu biết họa tiết nguyên bản của thổ cẩm Mnông. Bà may mắn được người dân dẫn đi tìm gặp người nắm giữ bí quyết họa tiết thổ cẩm truyền thống của người Mnông, đó là nghệ nhân H’Đen Bkrông ở buôn Jun, thị trấn Liên Sơn và được nghệ nhân nhận lời hỗ trợ dạy nhóm dệt cách tạo hoa văn của đồng bào Mnông.
Nghệ nhân H’Đen cho biết: Bản thân từng tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên nên thành thạo nhiều họa tiết, hoa văn nguyên bản dân tộc Mnông. Khi được mời truyền dạy, mình rất sẵn lòng, vì những kiến thức, nghề truyền thống của dân tộc được truyền lại cho nhiều người, góp phần hồi sinh nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.
Sau hơn 1 tháng học họa tiết mới, một số chị em trong nhóm dệt đã nắm được thao tác cơ bản và tạo ra những sản phẩm thổ cẩm họa tiết nguyên bản của người Mnông.
Đưa thổ cẩm truyền thống lên tầm cao mới
Huyện Lắk từng là cái nôi của nghề dệt thổ cẩm Mnông, nhưng cuộc sống hiện đại khiến bà con ít sử dụng trang phục truyền thống, nghệ nhân duy trì nghề dệt cũng vì thế mà ít dần. Trăn trở hồi sinh nghề dệt truyền thống, hơn 2 năm qua, bà H’Kim Hoa không ngần ngại bỏ ra khoản kinh phí khá lớn mua nguyên liệu, khung dệt và thuê nghệ nhân truyền nghề cho nhóm dệt để thổ cẩm của đồng bào Mnông ở mỗi buôn làng.
Bên cạnh đó, lâu nay, người dệt thổ cẩm ở địa phương chủ yếu dùng sợi len nên trang phục thổ cẩm chỉ mặc được mùa Đông, còn mùa Hè rất nóng. Nhằm nâng cao giá trị, từng bước đưa sản phẩm thổ cẩm Mnông vươn xa, bà H’Kim Hoa Byă liên hệ đầu mối chuyên cung cấp sợi tơ tằm ở tỉnh Lâm Đồng để đặt sợi tơ tằm, sợi tre mềm mát. Sản phẩm làm ra từ hai loại sợi này được một số khách hàng đón nhận.
Bà H’Kim Hoa chia sẻ: Trên trang phục truyền thống, mỗi dân tộc có hoa văn đặc trưng riêng. Mỗi hoa văn sẽ truyền tải ý nghĩa, thông điệp mà người thợ dệt từ xa xưa muốn gửi gắm. Muốn thổ cẩm “kể câu chuyện” của chính nó, mình gắn hoa văn nguyên bản, xây dựng “câu chuyện” văn hóa thì sản phẩm thổ cẩm mới hấp dẫn du khách trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu. Mặc dù đây mới chỉ là bước đầu, nhưng sẽ là nền móng vững chắc để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mnông duy trì và phát triển.
Lê Hường
Báo Dân tộc – baodantoc.vn