Xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long (Quảng Ninh): Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Thực hiện Dự án 6 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến 2025, những năm qua, xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng đối với việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Xã Kỳ Thượng hiện có gần 900 nhân khẩu với hơn 98% là người Dao Thanh Phán. Nhằm cụ thể hóa chủ đề công tác năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh là “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, Đảng ủy xã Kỳ Thượng rất chú trọng việc lãnh đạo công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán. Theo đó, một trong những điểm nhấn là từ ngày 01/3/2024, xã Kỳ Thượng đã triển khai thực hiện việc cán bộ, công chức xã mặc trang phục dân tộc đến công sở làm việc vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu hằng tuần.
Được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, các cán bộ, công chức luôn tự hào về bản sắc dân tộc và mong muốn cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương. Việc cùng mặc trang phục dân tộc truyền thống còn giúp cán bộ và bà con nhân dân thêm gần gũi, gắn kết, tạo đồng thuận cao trong các hoạt động. Đồng chí Bàn Thị Phương, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng cho biết: “Sau khi thực hiện quy định mặc trang phục truyền thống của dân tộc đi làm, cán bộ, công chức xã rất phấn khởi, bởi thông qua hoạt động này sẽ góp phần bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Thanh Phán”.
![]() |
Ảnh minh họa /dangcongsan.vn |
Không chỉ cán bộ, công chức mặc trang phục truyền thống đến công sở làm việc, hiện nay, tại một số trường học trên địa bàn xã Kỳ Thượng, giáo viên và học sinh cũng thực hiện mặc trang phục dân tộc.
Trường Tiểu học và THCS Kỳ Thượng có 147 học sinh, 100% là người Dao Thanh Phán. Để góp phần giáo dục học sinh, đồng thời bảo tồn nét văn hóa truyền thống, nhà trường đã ban hành quy định học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ hai hằng tuần. Sau một thời gian thực hiện, đến nay, việc mặc trang phục dân tộc đã trở thành niềm yêu thích và tự hào của học sinh. Em Lý Thị Dung, học sinh lớp 7A cho biết: “Em cảm thấy rất vui, tự hào khi mặc bộ trang phục truyền thống vì điều đó giúp chúng em hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình…”.
Bên cạnh việc giữ gìn trang phục truyền thống, người Dao Thanh Phán ở Kỳ Thượng còn tích cực phục hồi, lưu giữ những cuốn sách cổ của người Dao. Điển hình như ông Bàn Sinh Chòi ở thôn Khe Phương, từ năm 9 tuổi đã theo cha học nghề thầy cúng, làm lễ cấp sắc cho bà con trong thôn. Những cuốn sách ông Chòi đang lưu giữ phần lớn ghi chép về nghi lễ truyền thống, những bài hát dân ca của người Dao. Theo ông Chòi, việc gìn giữ những cuốn sách cổ, mặc trang phục dân tộc hay phục hồi những nghi lễ truyền thống chính là cách giáo dục hiệu quả giúp con cháu hiểu được những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Kim Tuyến
Báo QĐND – qdnd.vn – Đăng ngày 17/11/2024