Thái Nguyên phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc
Giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã ban hành nghị quyết, trong đó xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo tích cực học tập, nâng cao trình độ, nhận thức mọi mặt, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Giao lưu truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại xã Nghinh Tường, huyện Võ Nhai
Đối với một địa phương có nhiều dân tộc cùng chung sống như Thái Nguyên (51 dân tộc với hơn 38 vạn đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 29,87% dân số), công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các cấp Hội kiện toàn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ dân tộc, tôn giáo tham gia sinh hoạt Hội, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh và tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động và khâu đột phá… Các cấp Hội thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng các loại hình thức tuyên truyền, vận động theo phương châm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm, tập quán của từng vùng, trong đó tập trung tuyên truyền các nội dung chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, Hội đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) với nhiều hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ là người DTTS. Đặc biệt, Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân DTTS và miền núi (MN) giai đoạn 2021 – 2030 với các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ DTTS phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS&MN.
Theo thống kê của 6/6 huyện thuộc địa bàn Dự án 8, tính đến tháng 11/2024 có tổng số 241 mô hình, hoạt động của Hội LHPN các cấp về phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới được thành lập với sự tham gia của 10.532 thành viên, chủ yếu là phụ nữ DTTS.
Một trong những loại hình hoạt động, được tập trung phát triển là nhóm mô hình, hoạt động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao dân gian truyền thống, chiếm số lượng lớn khoảng hơn 80% tổng số các mô hình, hoạt động. Hiện trên địa bàn 6 huyện thuộc Dự án 8 đã có 193 mô hình hoạt động, trong đó huyện Võ Nhai là địa phương có nhiều mô hình nhất (80 mô hình, câu lạc bộ), tiếp đó là huyện Đồng Hỷ (64 mô hình, câu lạc bộ), huyện Định Hóa (28 mô hình, câu lạc bộ)… Tiêu biểu có thể kể đến: Mô hình “Gìn giữ bản sắc trang phục dân tộc Dao” tại xóm Khe Rịa, xã Vũ Chấn, huyện Võ Nhai; Câu lạc bộ (CLB) hát Soọng cô tại thị trấn Trại Cau, các xã Tân Lợi, Nam Hòa, Minh Lập của huyện Đồng Hỷ; CLB hát Pả dung của người Dao tại Yên Ninh, Yên Đổ, xã Động Đạt, huyện Phú Lương; CLB hát si – hát lượn của người Dao, CLB múa Tắc Xình của người Sán Chay ở các xã của huyện Định Hóa… đã thu hút đông phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, tích cực thực hành văn hóa biểu diễn trong các ngày lễ, Tết, chúc thọ…
Giã bánh giày trong Ngày hội văn hóa tại Điểm du lịch cộng đồng Khuôn Tát, xã Phú Đình, huyện Định Hóa
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Võ Nhai cho biết: Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, Hội đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng thu hút nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia. Tỷ lệ nữ tham gia trong các lĩnh vực ngày càng tăng, tạo ra của cải, vật chất, tinh thần cho gia đình và xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, góp phần cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện đảm bảo việc triển khai Luật bình đẳng giới.
Một loại hình hoạt động khác cũng đang phát triển mạnh ở các địa phương là: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống, góp phần tạo sinh kế cho phụ nữ. Với các hoạt động hỗ trợ, đào tạo, dạy nghề, đã hướng dẫn chị em duy trì, bảo tồn văn hóa, phát huy hiệu quả làng nghề truyền thống. Hiện trên địa bàn 6 huyện của Dự án 8 có 35 mô hình theo hình thức này, tiêu biểu là 15 Tổ phụ nữ giữ nét đẹp trang phục dân tộc tại 15 xã, thị trấn của huyện Võ Nhai; Tổ dệt thổ cẩm dân tộc Mông ở xã Lâu Thượng; Tổ nấu rượu men lá tại các xã Cúc Đường, Nghinh Tường, Thần Sa, Liên Minh, Thượng Nung (Võ Nhai); mô hình Làng nghề Chè Phú Lợi tại xã Bàn Đạt (Phú Bình); nhóm sản xuất chổi nan ở thị trấn Trại Cau; Hợp tác xã (HTX) may trang phục dân tộc Dao ở xã Hợp Tiến; may trang phục dân tộc Mông, dân tộc Tày tại xã Tân Long, Văn Lăng; Tổ nấu rượu men lá tại xã Văn Hán, Cây Thị, Hợp Tiến (Đồng Hỷ); các làng nghề chè truyền thống…
Là địa phương có nhiều DTTS sinh sống, Phú Lương đã quan tâm hỗ trợ để ra đời và đi vào hoạt động của các mô hình, chị Bàn Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Lương cho biết: Các mô hình hoạt động rất hiệu quả, được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng cũng như giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc.
Tuy mới đi vào hoạt động nhưng đã phát huy hiệu quả là mô hình Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện quyền năng kinh tế cho hội viên phụ nữ. Do phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của người dân địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều xóm bản hoặc cá nhân đã đầu tư xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng mà ở đó văn hóa dân tộc được giữ gìn, phát huy, thu hút du khách tham quan, trải nghiệm và giúp họ hiểu hơn các giá trị truyền thống đa dạng, đặc sắc, mang giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tinh thần đoàn kết cộng đồng của phụ nữ và đồng bào. Có thể kể đến Điểm du lịch cộng đồng tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai với 5 mô hình homestay (cơ sở lưu trú tại nhà dân); Điểm du lịch Bản Tèn, xã Văn Lăng; Điểm du lịch bản Lân Quan, xã Tân Long; Điểm du lịch cộng đồng bản Tân Đô, xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ; Điểm du lịch cộng đồng Thung lũng Hoa Thảo Nguyên tại xã Tân Thành; Điểm du lịch tâm linh tại Khu di tích đình – đền – chùa Cầu Muối, xã Tân Thành và Chùa Khánh Long tại xã Tân Hòa, huyện Phú Bình…
Có thể thấy, việc thực hiện các mô hình không những phát huy vai trò trong giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc mà còn có ý nghĩa trong tập hợp, gắn kết hội viên, thu hút nhiều chị em phụ nữ và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Hội, của địa phương. Qua đó, tăng cơ hội để phụ nữ DTTS tham gia các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nâng cao vai trò phụ nữ DTTS trong thời kỳ hội nhập; đồng thời tạo khí thế thi đua lao động, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên trong quá trình hội nhập, giá trị văn hóa truyền thống có nhiều nguy cơ mai một; nhận thức về bình đẳng giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở cộng đồng, một số ít phụ nữ chưa hiểu rõ về quyền lợi của mình, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chị Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội HLPN tỉnh chia sẻ: Đây là những khó khăn trong hành trình gìn giữ những giá trị văn hóa dân tộc. Việc cần làm là các cấp Hội LHPN cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc; góp phần bảo vệ, phát triển văn hóa truyền thống; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành để nâng cao chất lượng, quy mô, tính bền vững của các mô hình, đảm bảo sự tham gia thực chất của phụ nữ vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội khu vực DTTS; phát huy vai trò của người có uy tín, các nghệ nhân, già làng, trưởng bản và các cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình CLB để có đóng góp thực sự hữu ích trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại cộng đồng, làng xã.
Thu Hà
Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Nguyên – thainguyen.gov.vn