Thái Nguyên: Độc đáo làn điệu Pả dung
Hát Pả dung (hay Páo dung) là một trong những làn điệu dân ca truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt phổ biến ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của người Dao. Những câu hát Pả dung thường có giai điệu giản dị, mộc mạc, nhưng chứa đựng sâu sắc các giá trị tinh thần và cảm xúc của người dân.
Hát Pả dung là một trong những làn điệu dân ca truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao, đặc biệt phổ biến ở xã Phúc Chu, huyện Định Hóa
Xuất phát từ trong lao động sản xuất, tín ngưỡng hay phong tục tập quán đặc trưng mà mỗi dân tộc đều có một làn điệu dân ca thể hiện được nét văn hóa của dân tộc mình. Đối với người Dao ở huyện Định Hóa, họ coi làn điệu Pả dung như tài sản vô giá để nuôi dưỡng tâm hồn và thể hiện tình yêu quê hương đất nước. Trong tiếng Dao, Pả dung nghĩa là ca hát, đây là hình thức sinh hoạt văn nghệ đời thường đặc sắc của đồng bào Dao. Pả dung có thể dùng vào bất kỳ thời gian, hoàn cảnh nào đều phù hợp. Lời Pả dung chủ yếu hình thành và tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn. Trong Pả dung, một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát. Giai điệu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau để phù hợp với hoàn cảnh, tâm trạng và không gian diễn xướng… Pả dung không “kén” nội dung thể hiện mà trái lại rất phong phú. Mọi hiện tượng tự nhiên của đất trời, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, các sự việc nảy sinh trong đời sống hay tâm tư, nguyện vọng của con người đều có thể được thể hiện qua làn điệu Pả dung. Cũng bởi sự linh hoạt đó nên Pả dung được chia làm nhiều thể loại hát trong sinh hoạt (hát ru, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…); hát trong nghi lễ (hát trong Lễ cấp sắc, Tết nhảy, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng)…
Pả dung “ngấm” vào đời sống của người Dao từ xa xưa một cách hết sức tự nhiên. Như con, cháu nghe mẹ hát mà nhớ, mà thuộc từ khi nào không hay. Cứ thế, Pả dung tồn tại chủ yếu thông qua truyền khẩu tự nhiên trong cộng đồng và được ghi chép lại trong các cuốn sách nghi lễ. Nghệ nhân Bàn Thị Hồng, Chủ nhiệm CLB hát Pả dung ở thôn Làng Gày, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa cho biết: Cuộc sống hiện đại mang đến nhiều loại hình văn hóa đan xen, khiến đại đa số người trẻ không mấy mặn mà với những hình thức sinh hoạt văn hóa cổ truyền, nhưng những người dân nơi đây vẫn luôn cố gắng bảo tồn, lưu truyền hát Pả dung bởi nó là văn hóa, là tín ngưỡng của đồng bào Dao.
Nghệ nhân Bàn Thị Hồng học hát Pả dung từ khi 7 – 8 tuổi qua những lời ca tiếng hát của cha mẹ trong mỗi dịp lễ, Tết, ngày xuân. Theo nghệ nhân Bàn Thị Hồng, nét đặc sắc của Pả dung là nằm ở các thể loại hát, mỗi thể loại sẽ quy định bối cảnh riêng, ngôn từ riêng thể hiện sắc thái tình cảm khác nhau để hát. Những giai điệu mộc mạc, giản dị ấy khi hiểu hết ý nghĩa mới thấy được ý vị tình người sâu xa của người Dao.
Có vị trí đặc biệt trong đời sống cộng đồng dân tộc Dao, tuy nhiên Pả dung cũng giống như những di sản văn hóa phi vật thể khác, vẫn có thể bị mai một theo thời gian và thiếu vắng trong đời sống sinh hoạt của người Dao nếu không được gìn giữ, bảo tồn. Chính vì vậy, năm 2017 nghệ nhân Bàn Thị Hồng đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ hát Pả dung với hơn 20 thành viên từ già tới trẻ, trong đó người nhiều tuổi nhất là 80 tuổi và ít tuổi nhất là 15 – 16 tuổi. Câu lạc bộ sinh hoạt vào các buổi tối cuối tuần, trong khoảng thời gian từ 19 đến 22 giờ, đây là lúc mọi người sau một ngày làm việc vất vả, có thời gian quây quần bên nhau, cùng học những câu hát để làm phong phú thêm đời sống tinh thần.
Nghệ nhân Bàn Thị Hồng (bên phải ảnh) đang truyền dạy cách hát Pả dung cho thành viên trong Câu lạc bộ
Theo nghệ nhân Bàn Thị Hồng, Câu lạc bộ không chỉ là nơi để bà con giao lưu văn hóa văn nghệ mà còn truyền dạy và lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ngoài việc sưu tầm, gìn giữ các lời hát cổ, bà còn sáng tác lời hát mới và cùng với một số cá nhân giàu tâm huyết khác truyền dạy cho người trẻ. Ngoài ra, trong các dịp sinh hoạt, giao lưu trong huyện hay ngoài tỉnh bà cùng các thành viên trong Câu lạc bộ lan tỏa làn điệu Pả dung đến khắp mọi nơi.
Là một trong những thành viên trẻ của Câu lạc bộ hát Pả dung, em Lý Thị Lệ Chi (sinh năm 2004) thôn Làng Cày, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa chia sẻ: Học hát Pả dung khá khó bởi phải hát bằng tiếng Dao, tuy nhiên những câu từ, làn điệu đều có ý nghĩa và giá trị. Chính bởi vậy, khi tham gia Câu lạc bộ cùng các ông, bà đã giúp em tiếp nối, gìn giữ cũng như bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.
Câu lạc bộ hát Pả dung, xã Phúc Chu, huyện Định Hóa có hơn 20 thành viên
Bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng phòng Văn hóa huyện Định Hóa khẳng định: Trên địa bàn huyện hiện có 6 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận gồm hát Pả dung, hát Ví, Nghi lễ Than, Lồng Tồng, Lượn Cọi và Múa rối cạn. Trong đó hát Pả dung được xem một tài sản vô giá của đồng bào dân tộc Dao. Với họ, việc giữ gìn và trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống chính là cách giữ “hồn văn hóa” của dân tộc mình.
Trong thời gian tới, để làn điệu Pả dung được lưu truyền và bảo tồn, phát huy giá trị, huyện Định Hóa sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp cũng như tạo điều kiện gắn phát triển văn hóa với du lịch. Thông qua việc phát triển các câu lạc bộ, mở lớp dạy hát cho thế hệ trẻ, quan tâm quảng bá nét đặc sắc của văn hóa này trong các dịp lễ, Tết, quảng bá du lịch địa phương trong và ngoài huyện. Đồng thời, có chủ trương, đồng hành hỗ trợ các thành viên duy trì các các câu lạc bộ thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trần Huyền
Cổng TTĐT tỉnh Thái Nguyên – thainguyen.gov.vn – Đăng ngày 01/12/2024