Huyện Hàm Yên (Tuyên Quang): Bảo tồn hát Then, đàn Tính gắn với phát triển du lịch
Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang vừa tổ chức lớp tập huấn hát Then, đàn Tính cho Đội văn nghệ thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu, nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.
Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung Dự án 6 trên địa bàn Tuyên Quang năm 2024
Đội văn nghệ thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu tham gia lớp tập huấn với 30 thành viên là hạt nhân tiêu biểu với lực lượng nghệ nhân am hiểu sâu về văn hoá, đa dạng lứa tuổi, say mê ca hát, có khả năng trình diễn nhiều loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc dân ca Tày, Nùng trên địa bàn xã Phù Lưu.
Theo đó, từ ngày 25/10 đến 06/11, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hàm Yên phối hợp với UBND xã Phù Lưu tổ chức lớp tập huấn hát Then, đàn Tính cho Đội văn nghệ thôn Pác Cáp nhằm triển khai Kế hoạch xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng Làng Văn hóa thôn Pác Cáp và các thôn trên địa bàn xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên.
Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Tuyên Quang năm 2024.
Các học viên tham gia lớp tập huấn được các nghệ nhân am hiểu sâu về văn hoá truyền thống trực tiếp truyền dạy
Hát Then, đàn Tính là nét đẹp văn hoá, đồng thời là hồn cốt trong cuộc sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng các tỉnh miền núi phía Bắc. Nghệ thuật hát Then, đàn Tính mang nét độc đáo, khác biệt và có sức truyền cảm, được lưu truyền, bảo tồn rộng rãi trong dân gian, hiện trở thành một sản phẩm độc đáo phục vụ ngành du lịch phát triển. |
Thông qua lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các thôn trên địa bàn xã, trong việc tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch cộng đồng mang lại, nhằm cung cấp đa dạng hóa các hình thức sản phẩm và dịch vụ du lịch góp phần nâng cao đời sống kinh tế xã hội.
Tham gia lớp tập huấn các học viên được tập huấn kỹ càng và chuyên sâu trong sử dụng đàn Tính và các làn điệu Then, các tiết mục ca, múa, nhạc mang đậm văn hóa đặc sắc như hát Then, đàn Tính, sli, lượn, phong lư của người Tày, Nùng…Qua đó, tích cực gìn giữ những làn điệu Then cho thế hệ trẻ mai sau, cũng như góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các học viên còn được hướng dẫn cách thức tổ chức xây dựng chương trình văn nghệ để phục vụ du khách du lịch, trong đó, chú trọng việc bảo tồn nghề dệt vải, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch.
Sau khi kết thúc lớp tập huấn, trở về địa phương các học viên sẽ là hạt nhân tuyên truyền phát huy và bảo tồn làn điệu dân ca, dân gian, dân vũ dân tộc, đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, văn hóa tư tưởng, thu hút phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn xã Phù Lưu nói riêng, huyện Hàm Yên nói chung..
Quỳnh Vy
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn