Dự án 6 bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch ở Thanh Hóa: Động lực giúp “xã 135” thoát nghèo
Khai thác tiềm năng, lợi thế dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong phát triển du lịch cộng đồng là cách mà đồng bào dân tộc thiểu số miền núi xứ Thanh đã và đang triển khai. Nhờ đó, nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định; ý thức trách nhiệm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được nâng lên, tạo động lực quan trọng giúp các xã vùng cao thoát khỏi “xã 135”.
Thực hiện mạnh mẽ Dự án 6
Theo đó, “xã 135” là các xã đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, được hỗ trợ từ Chương trình 135 của Chính phủ. Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy chất lượng Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt và hiệu quả; trong đó có Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch”.
Cụ thể, huyện đã bảo tồn Làng văn hóa thôn Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng, với tổng mức đầu tư 4 tỉ 890 triệu đồng; hỗ trợ 2 đội văn nghệ thôn Bầm, xã Thành Lâm và thôn Báng, xã Thành Sơn mua cồng chiêng, trang phục cho đội văn nghệ; hỗ trợ đội văn nghệ thôn Bầm, xã Thành Lâm 48 triệu đồng, đội văn nghệ thôn Báng, xã Thành Sơn 48 triệu đồng; hỗ trợ nghệ nhân dân tộc thiểu số 58 triệu đồng; cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa của 6 thôn với kinh phí 1 tỉ 225 triệu đồng. Huyện cũng đã quan tâm tổ chức sưu tầm, khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, những phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào Thái, xóa bỏ các hủ tục trong cưới xin, ma chay, lễ hội…
Bên cạnh đó, Bá Thước còn khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, góp phần giải quyết việc làm cho gần 100 lao động, làng nghề thôn Tôm, xã Ban Công, thu hút 40 lao động, tạo điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch cộng đồng. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 250.000 lượt khách đến Bá Thước tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó khách quốc tế chiếm 30%, tổng doanh thu ước đạt trên 200 tỉ đồng.
Động lực thoát nghèo
Thực tế cho thấy, việc gắn phát triển du lịch cộng đồng với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc đã và đang tạo đà cho sự phát triển ổn định, hiệu quả của ngành du lịch huyện Bá Thước. Đây là động lực quan trọng giúp diện mạo nông thôn các xã đặc biệt khó khăn của huyện ngày càng khởi sắc, đời sống bà con được cải thiện và phát triển, thoát nghèo bền vững…
Điển hình như xã Thành Lâm, với hơn 93% diện tích đất làm nông nghiệp trên địa hình đồi núi không bằng phẳng, đồng bào dân tộc Thái chiếm 98% và từng là “xã 135” với tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 40%. Thành Lâm giờ đây đã trở nên trù phú, khang trang nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa bản địa nhờ phát triển du lịch cộng đồng và thụ hưởng từ Dự án 6 về bảo tồn văn hóa gắn với du lịch.
Đến với Thành Lâm, du khách không chỉ ngắm cảnh đẹp nên thơ của những thửa ruộng bậc thang giữa lưng chừng trời, những cánh rừng xanh mướt, những thác nước hùng vĩ, mà còn có cơ hội khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào Thái. Tận dụng lợi thế đó, nhiều bà con với tư duy kinh doanh nhạy bén đã phát triển kinh tế nhờ làm du lịch cộng đồng. Đây cũng là hướng đi giúp người dân nơi đây thoát nghèo bền vững. Hiện toàn xã có 27 cơ sở lưu trú, trong đó có 22 cơ sở lưu trú dạng nhà nghỉ; 5 cơ sở lưu trú dạng homestay và khu nghỉ dưỡng với 50 nhà sàn, 116 bungalow… Xã có 7 đội văn nghệ, 6 CLB văn hóa dân gian, 1 BQL phát triển du lịch cấp thôn và 1 BQL du lịch cấp xã; các CLB và đội văn nghệ liên tục phục vụ khách du lịch, với mức phí từ 800.000 – 1.000.000 đồng/ giờ và hoạt động liên tục. Hạ tầng được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các dự án đầu tư, tỷ lệ giao thông trên địa bàn được cứng hóa 95%. Mặc dù phát triển du lịch dựa trên những bản sắc nguyên sơ vốn có, nhưng ở Thành Lâm hầu hết các dịch vụ cơ bản đã trở nên chuyên nghiệp và bài bản.
Thôn Đôn của xã Thành Lâm là nơi tập trung nhiều homestay và resort. Đặc biệt, ít có nơi nào mà hầu hết người dân đều giữ được nhà sàn truyền thống với kiến trúc độc đáo như nơi này. Ông Hà Huy Giáp, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đôn cho biết: “Thông qua con đường du lịch, những sản phẩm do bà con làm ra được giới thiệu, quảng bá và có sức tiêu thụ tốt. Bình quân thu nhập của người dân xóm làm du lịch đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Vì vậy, từ một bản có tỷ lệ hộ nghèo cao, nay thôn Đôn đã trở thành thôn NTM đầu tiên của xã. Chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu thu nhập đầu người đạt 45-47 triệu đồng/người/năm; chỉ tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu là 53 triệu đồng/người và hướng đến trở thành thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.
Theo báo cáo của UBND xã Thành Lâm, năm 2023, lượng khách đến tham quan đạt gần 26 nghìn lượt, trong đó có hơn 9.300 lượt khách nước ngoài. Từ đầu năm 2024 đến nay, Thành Lâm đã đón khoảng 15.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu ước đạt hơn 8 tỉ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 250 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng, cá biệt có lao động có thu nhập lên đến 12 triệu đồng/tháng. Từ đó cho thấy mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống ở Thành Lâm đã góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho bà con.
Để đi được đường dài, huyện Bá Thước xác định du lịch là hướng phát triển trọng tâm. Cùng với việc thực hiện công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, huyện sẽ tiếp tục đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Thời gian tới, Bá Thước tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc lập quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm, tăng cường bảo tồn các di sản văn hóa và bảo vệ môi trường trong sạch để khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo nên thương hiệu cho du lịch Bá Thước. Phấn đấu đến năm 2025, Pù Luông sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa.
Nguyễn Linh
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn – Đăng ngày 02/12/2024