Bình Thuận: Đồng bào La Ngâu làm du lịch
Dù đang là mùa mưa nhưng tính chất mưa ở vùng Tánh Linh (Bình Thuận) không dầm dề nên điểm du lịch nông thôn cộng đồng ở xã La Ngâu vẫn có du khách tìm về, nhất là những ngày cuối tuần.
Bất chấp việc La Ngâu có nằm trong quy hoạch xây dựng hồ La Ngà 3 và đến khi nào triển khai, du khách đến đây vì muốn trải nghiệm cảm giác hòa mình vào thiên nhiên mà các điểm du lịch tạo dựng tự phát khoảng 2 năm nay nhưng giờ đang dần được chính thức qua quy định đưa vào làm du lịch nông thôn, qua cho phép làm du lịch trên đất nông nghiệp theo Luật đất đai 2024, Nghị định 82/CP…
Lúc giao thời chờ quy định mới, các điểm du lịch hình thành ven sông Tà Mỹ, xã La Ngâu với cơ sở đón khách rất dã chiến nhưng đã tạo ra sức hấp dẫn, đánh trúng tâm lý của dân xê dịch. Sức hút ấy không chỉ vì quang cảnh hòa quyện giữa núi đồi, sông suối được các điểm du lịch bài trí theo kiểu nương tựa vào tự nhiên như trong phim hollywood mà còn bởi những nét đặc sắc, đặc trưng riêng trong văn hóa sống, trong những món ăn của người Rắc Lây, Cờ Ho ở vùng đất này. Chính hình ảnh đồng bào cùng tham gia vào chuỗi các dịch vụ du lịch theo bất cứ yêu cầu chính đáng nào của khách đã tạo nên nét thơ, đưa du khách, nhất là khách đến từ các tỉnh, thành khác được sống trong khung cảnh của núi rừng.
Du khách trải nghiệm các dịch vụ du lịch ở La Ngâu
Theo ước tính của UBND huyện Tánh Linh, có gần 100 người dân Rắc Lây, Cờ Ho đang làm việc tại các điểm du lịch ở La Ngâu với các công việc như hướng dẫn khách, bưng bê, rửa chén, quét dọn… Ngoài ra, còn có nhiều người dân khác tham gia làm dịch vụ và phối hợp làm dịch vụ cho các điểm du lịch. Nổi lên là cung cấp các sản vật của rừng như rau rừng, lá bép, cá suối, heo đen, gà vườn, đọt mây, măng rừng… để các điểm du lịch chế biến các món ăn phục vụ khách. Ngoài ra, có hộ còn giữ bí quyết gia truyền là nấu cơm lam rất ngon, rất đặc trưng mà không phải ai cũng nấu được nên khi khách cần là các điểm du lịch lại liên lạc để nấu phục vụ khách. Đó là chưa nói vào mùa thu hoạch nông sản, nhờ có khách du lịch mà bà con bán được với giá cao hơn bán cho thương lái. Vì vậy, thu nhập của đồng bào dân tộc thiểu số ở La Ngâu được cải thiện rõ rệt, từ khi có các điểm du lịch này.
Hộ kinh doanh Suối Đá La Ngâu, tên tiếng Anh là La Ngâu Rock Stream, cho biết, hiện cơ sở giải quyết việc làm cho 30 lao động, chủ yếu là người Rắc Lây, Cờ Ho với đủ lứa tuổi từ 20 – 55 tuổi, phù hợp ở các vị trí việc làm khác nhau. Vì vậy, mức lương cũng khác nhau, từ 8-15 triệu đồng, chưa tính khoản khách cho thêm, khi phục vụ tốt. Cơ sở trả lương qua tài khoản hết nên người lao động dân tộc thiểu số biết rút bao nhiêu để xài, còn lại là gửi tiết kiệm, mua vàng…
Du khách Ngắm hoàng hôn bên dòng Tà Mỹ ở La Ngâu
Hộ kinh doanh này cũng cho biết thêm, để có được lực lượng lao động với số đông là nữ, như hiện tại, cơ sở đã mất rất nhiều thời gian trong tập huấn phục vụ khách như thế nào để khách hài lòng và cũng thể hiện văn minh, lịch sự. Thông qua hệ thống camera, cơ sở chấn chỉnh kịp thời những hành vi, thái độ chưa chuẩn trong đón tiếp, phục vụ khách du lịch của nhân viên. Theo thời gian, đã góp phần thay đổi phong cách trong nói năng, ăn mặc và nhận thức của người lao động. Vì vậy, cơ sở thu hút lượng khách đến ngày càng đông.
Hào Chi