Quảng Bình: Để tiếng chiêng mãi ngân xa

Những bản làng ẩn mình dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ vang vọng mãi tiếng chiêng, tiếng trống hội rộn ràng. Những đứa trẻ say mê trong những điệu dân ca, dân vũ truyền thống và nơi ấy, bao mái nhà sàn lại rộn rã đón bước chân của du khách bốn phương ghé lại. Đó là bức tranh tương lai sinh động về cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Bình-một cộng đồng mang trong mình những di sản văn hóa độc đáo. 

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Bình triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, một phần trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự án đang từng ngày góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng. 

Bền bỉ cùng di sản

Anh Hồ Xơi, bản K Định, xã Dân Hóa (Minh Hóa) là một trong số các học viên người Bru-Vân Kiều tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp bảo tồn và thi đấu thực nghiệm các môn thể thao dân tộc do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức vào đầu tháng 9/2024 vừa qua. Từ một thanh niên không mấy mặn mà với những nét văn hóa, thể thao truyền thống của đồng bào mình, thì nay, sau những ngày học chăm chỉ tại lớp tập huấn, Xơi bảo, anh đã có thể mạnh dạn tham gia vào các hoạt động thể thao và sẵn sàng chỉ dạy lại cho các em nhỏ tại địa phương.

Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam vừa được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, Hồ Xơi đã tự tin tham gia thi đấu, mang nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đua tài với các dân tộc anh em. Với Xơi và nhiều thanh niên Bru-Vân Kiều khác, khóa học đã giúp hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Những lớp tập huấn này mang đến những phương pháp mới truyền dạy cho thế hệ trẻ để họ biết nâng niu, trân trọng những giá trị văn hóa mà cha ông bền bỉ gìn giữ bao đời. Như mạch nguồn không bao giờ ngừng chảy, không ai khác, chính họ là những mảnh ghép quan trọng để cùng góp phần bảo tồn và lan tỏa di sản quý giá này.


Thế hệ trẻ đồng bào Bru-Vân Kiều đã bắt đầu biết quan tâm, yêu mến những lời ca, điệu múa truyền thống.

Kể từ khi bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Dự án 6 tập trung vào nhiệm vụ tuyên truyền, quảng bá văn hóa DTTS và tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu, từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào về chính những giá trị văn hóa mà cộng đồng họ đang sở hữu.

Từ chỗ không mấy mặn mà với văn hóa của cha ông, thế hệ trẻ đồng bào Chứt, Bru-Vân Kiều đã bắt đầu biết quan tâm, yêu mến những lời ca, điệu múa truyền thống. Từ chỗ những lễ hội truyền thống tưởng đã mất dấu trong đời sống của đồng bào, thì nay, tiếng chiêng, tiếng trống đã bắt đầu ngân vang giữa các bản làng. 

Cán bộ văn hóa cũng đã được học hỏi về cách bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể, được trang bị kỹ năng tổ chức sự kiện văn hóa, từ đó tạo ra sự chủ động trong việc gìn giữ di sản. Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao khẳng định, dự án không dừng lại ở việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn mà còn hướng tới việc tạo dựng một cộng đồng đồng lòng và gắn kết. Sự tham gia tích cực từ phía người dân đã trở thành yếu tố then chốt để dự án đạt được thành công. Không ai khác, chính người dân sẽ là những người kể câu chuyện văn hóa của chính mình một cách sinh động nhất.

Đồng lòng, kiên trì và sáng tạo

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, Dự án 6 cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc triển khai các văn bản hướng dẫn còn thiếu đồng bộ và cụ thể, gây khó khăn trong thực hiện. Khi miếng ăn chưa đủ no, tấm áo còn chưa đủ ấm thì việc nghĩ xa hơn trong bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể là điều không hề dễ dàng. Trong khi đó, hệ thống thiết chế văn hóa tại nhiều địa phương còn thiếu thốn và không đồng bộ, trong khi đội ngũ cán bộ văn hóa tại các vùng này còn hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm.

Thời gian qua, thực hiện Dự án 6, ngành Văn hóa-Thể thao Quảng Bình đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Tổ chức chương trình hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một; tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ truyền dạy văn hóa phi vật thể; bảo tồn lễ hội truyền thống, xây dựng mô hình văn hóa tiêu biểu, thành lập câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian và hỗ trợ chống xuống cấp cho di tích quốc gia. Đặc biệt, nhiều tủ sách cộng đồng được xây dựng tại các xã miền núi đã tạo không gian sinh hoạt văn hóa và học tập bổ ích cho đồng bào DTTS…

Khó khăn vẫn còn đó nhưng ngành Văn hóa-Thể thao Quảng Bình và các cấp, địa phương vẫn quyết tâm, bền bỉ cùng công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào. Nhưng để hành trình ấy không còn gập ghềnh, cần những chính sách đãi ngộ đặc biệt cho nghệ nhân DTTS, những người giữ vai trò then chốt trong việc bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa. Đồng thời, đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và hiện đại sẽ giúp tạo ra những trung tâm văn hóa nhằm lưu giữ di sản và là nơi sáng tạo, giáo dục cộng đồng. Việc tuyên truyền và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống cũng cần được tiếp cận một cách sáng tạo, tận dụng lợi thế của công nghệ số. 

Dự án 6 là một trong những nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa, cũng là một bước đi quan trọng trong việc kết nối quá khứ và tương lai, giữa những giá trị truyền thống và những yêu cầu phát triển bền vững trong thời đại mới. Những thành công bước đầu của dự án đã chứng minh rằng sự kết hợp giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch là chìa khóa mở ra cơ hội mới cho Quảng Bình trong việc phát triển kinh tế-xã hội. 

Để tiếng chiêng mãi ngân xa, không chỉ cần sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, mà còn cần một cộng đồng đồng lòng, kiên trì và sáng tạo. Chính từ những nỗ lực ấy, Quảng Bình sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy bền vững di sản văn hóa của các DTTS, để những âm vang của chiêng trống, những điệu múa, lời ca vẫn mãi rộn ràng trong lòng mỗi người dân và du khách.

Diệu Hương

Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn – Đăng ngày 20/12/2024

Scroll to Top