Yên Bái: Nghệ thuật “Khắp cọi” và “Lễ Cúng rừng” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VHTTDL vừa có Quyết định số 3988 và 3980/QĐ-BVHTTDL về việc đưa ” Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình và Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ Cúng rừng” của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” gắn bó với đồng bào Tày huyện Yên Bình và huyện Lục Yên trong đời sống hàng ngày từ xa xưa. Đây là loại hình dân ca đặc sắc, có hình thức biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, động tác, âm nhạc, đó là lời ca, tiếng hát với các nội dung và làn điệu khác nhau, có sử dụng nhạc cụ truyền thống kèm theo trong quá trình diễn xướng.
Không gian diễn xướng của “Khắp cọi” khá rộng. Người Tày trình diễn “Khắp cọi” trong những dịp ngày lễ hội vui của làng bản, trong hội Xuân, đám cưới, lên nhà mới, hát giao duyên, đối đáp, tìm hiểu, hát đón khách, thăm hỏi khi đến nhà nhau chơi…
Tỉnh Yên Bái hiện có tổng số 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Riêng trong năm 2024, đã có 4 di sản được công nhận là Lễ hội “Gầu tào” của người Mông các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ Xên đông” còn gọi là Lễ Cúng rừng của người Thái Nghĩa Lộ; ” Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” của người Tày, huyện Lục Yên, huyện Yên Bình và Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Cúng rừng của người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
“Khắp cọi” có thể đối đáp giữa hai người, hai bên hoặc trình diễn cá nhân, tập thể. Nhạc cụ được sử dụng khi trình diễn “Khắp cọi” phổ biến có: nhị hai dây, sáo ngang và trống.
Trải qua thời gian, “Khắp cọi” đã thể hiện sức sống mãnh liệt, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, vốn di sản này đã ngày càng dày, số người thực hành ngày càng đông đảo, phổ biến, trở thành niềm tự hào của cộng đồng người Tày vùng sông Chảy.
Diễn xướng “Khắp cọi thể hiện tính nhân văn sâu sắc, triết lý sâu xa, thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân, thiện, mỹ.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ “Cúng rừng” của người Mông ở Nà Hẩu, huyện Văn Yên được coi là nghi lễ tiêu biểu, thể hiện nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của người Mông ở xã Nà Hẩu trong dịp đầu năm mới.
Đây là dịp để người Mông cúng tạ trời đất, thần linh, Thần rừng phù hộ, ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, gia súc đầy chuồng. Di sản là điểm hội tụ và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người Mông, là nơi thực hành và trao truyền trực tiếp vốn văn hóa của cộng đồng.
Đồng thời, là nơi thực hành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của tộc người, Tết rừng gắn với nhiều sản phẩm tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản, từ tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian đến nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, các nghề thủ công truyền thống và hệ thống tri thức dân gian được thể hiện xuyên suốt quá trình chuẩn bị và thực hành lễ hội.
Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ Cúng rừng” của người Mông ở Nà Hẩu đã được truyền qua nhiều thế hệ. Lễ hội Tết rừng gắn với những quy định bảo vệ rừng, đã trở thành ngày hội văn hóa cộng đồng độc đáo của xã Nà Hẩu từ nhiều năm nay, là hình ảnh đẹp về sự thân thiện với môi trường ở xã Nà Hẩu.
Lễ hội cũng là dịp quảng bá, lan tỏa ý thức giữ rừng, phát triển sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc, từng bước thu hút khách du lịch đến thăm quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân làm ra. Từ đó tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng lâu dài, bền vững tại địa phương.
Yên Bái với hơn 30 dân tộc sinh sống, được biết đến là vùng đất mang những dấu ấn riêng biệt về văn hóa, với những sắc thái văn hóa đa dạng, độc đáo hòa quyện, đan xen lẫn nhau đã tạo nên một vùng văn hóa đa sắc màu, đặc biệt trong đó có kho tàng di sản văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc thiểu số.
Việc Bộ VHTTDL công nhận hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ” Nghệ thuật trình diễn dân gian “Khắp cọi” và Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ Cúng rừng” tạo tiền đề quan trọng để Yên Bái từng bước triển khai các hoạt động bảo vệ, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể độc đáo gắn với phát triển du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của du khách, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Quỳnh Vy
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn