Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chăm gắn với phát triển du lịch ở tỉnh Bình Thuận

Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã và đang tạo điều kiện cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm của tỉnh Bình Thuận ngày càng hiệu quả.

Lễ hội Katê năm 2024 tổ chức tại nhóm tháp Pô Sah Inư

Tỉnh Bình Thuận có hơn 40.000 người Chăm theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn và Hồi giáo Bàni sinh sống tập trung tại bốn xã: Phú Lạc (huyện Tuy Phong), Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Hiệp (huyện Bắc Bình) và rải rác ở huyện Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc. Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển, người Chăm đã để lại một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc, riêng biệt, đa dạng và phong phú như: Các công trình kiến trúc đền tháp, đền thờ; các tác phẩm điêu khắc đá, đúc đồng, tượng thờ, phù điêu; kho tàng thơ ca, truyện cổ; các lễ hội, lễ nghi, trang phục đa sắc màu, các nghề thủ công truyền thống… hết sức độc đáo, mang đậm dấu ấn và bản sắc riêng.

Đến hiện tại, nhiều di sản văn hóa Chăm ở Bình Thuận đã được Nhà nước xếp hạng, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục dựng và phát huy hiệu quả giá trị; trong đó có ba Di tích kiến trúc nghệ thuật (nhóm đền tháp Pô Sah Inư, đền tháp Pô Dam, đền thờ Pô Nít), một Di tích lịch sử-nghệ thuật (đền thờ Pô Klong Mơnai) và Bộ sưu tập (BST) Di sản Hoàng tộc Chăm được Bộ VHTTDL xếp hạng Di tích quốc gia; hai Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Nghệ thuật làm gốm thủ công và Lễ hội Katê; một bảo vật quốc gia là Linga vàng.

Thực hiện dự án 6 về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, trong đó có dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch địa phương, trong năm 2023 và 2024 tỉnh Bình Thuận đã có những hoạt động đi vào thực chất. Cụ thể như, sau khi Lễ hội Katê (diễn ra từ cuối tháng 6 đến giữa tháng 7 Chăm lịch – khoảng tháng 9 và tháng 10 dương lịch) được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2022), tháng 10-2023 UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Bảo tồn và phát huy Lễ hội Katê của người Chăm gắn với phát triển du lịch của địa phương. Được phục dựng tại nhóm đền tháp Pô Sah Inư (TP Phan Thiết) từ năm 2005, Lễ hội Katê đã sớm trở thành một sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc đối với du khách và người dân địa phương, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Chăm trong cộng đồng.

Năm 2023, bên cạnh Lễ hội Katê tại Pô Sah Inư, tỉnh còn hỗ trợ tổ chức Lễ hội Katê tại Đền thờ Pô Nít (Bắc Bình), Miếu Bà Chúa (Phú Lạc) và Đền thờ Pô Nrop (Tuy Phong); tăng cường các hoạt động xúc tiến, quảng bá thu hút du khách đến tham quan, khám phá và trải nghiệm những dấu ấn đặc sắc về kiến trúc, văn hóa gắn với tôn giáo tín ngưỡng của các nhóm tháp, đền thờ và Lễ hội.

Vương miện Vua và búi tóc Hoàng hậu bằng vàng trong Bộ sưu tập Di sản hoàng tộc Chăm – Ảnh: Báo Bình Thuận

Đặc biệt, Lễ hội Katê 2024 gắn với Lễ Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia Linga vàng được phát hiện tại tháp Pô Dam từ năm 2013. Trước đó, tháng 3-2024 UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Bảo vật quốc gia Linga vàng. Sở VHTTDL Bình Thuận đã chỉ đạo Bảo tàng tỉnh tăng cường trưng bày, triển lãm, giới thiệu lên trang web, phương tiện truyền thông để tuyên truyền, quảng bá bảo vật quốc gia của địa phương, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân và du khách.

Thành lập từ năm 2010 Trung tâm Trưng bày Văn hóa Chăm (huyện Bắc Bình) đang lưu giữ và trưng bày hơn 1.500 hiện vật, cổ vật và 5 bộ thư tịch cổ có giá trị về niên đại lịch sử, phản ánh rõ nét đời sống tinh thần, vật chất của dân tộc Chăm. Luôn hướng đến mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Chăm, tác động tích cực đối với cộng đồng trong ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể truyền thống, nơi đây còn tổ chức nhiều hoạt động như nghệ nhân trình diễn kèn Saranai, trình lễ vật dâng cúng thần linh, trình diễn dệt thổ cẩm…

Đặc biệt, du khách sẽ được tham gia thực hành các điệu múa Chăm, nhạc cụ dân tộc, làm gốm, nặn bánh gừng, thi viết chữ Chăm. Nhờ vậy, Trung tâm đã và đang trở thành điểm đến ấn tượng, được các công ty lữ hành và các tour du lịch kết nối, xây dựng tour đưa du khách đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa Chăm ngày càng nhiều. Tháng 3-2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phê duyệt dự án sửa chữa Trung tâm này để tăng cường gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đặc sắc và độc đáo của người Chăm; tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham quan, góp phần phát triển du lịch gắn với phát huy hiệu quả giá trị di sản.

Bộ sưu tập (BST) Di sản Hoàng tộc Chăm ở Bình Thuận là vô giá và độc nhất, gồm hơn 100 hiện vật nguyên gốc, hội tụ đầy đủ giá trị về văn hóa và lịch sử của vương triều Champa xưa, được các đời hậu duệ Vua Pô Klong Mơnai (1622-1627) lưu giữ, trao truyền qua hơn 400 năm. Sau khi được Nhà nước xếp hạng năm 1993, hậu duệ vua Chăm đồng ý để Bảo tàng tỉnh từng bước thiết kế, trưng bày BST dưới dạng “kho mở” trong ngôi nhà ở huyện Bắc Bình.

Thực hiện dự án 6, năm 2023 Bảo tàng tỉnh được giao triển khai thực hiện “Xây dựng mô hình “kho mở” BST di sản Hoàng tộc Chăm huyện Bắc Bình, kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản văn hóa Chăm tại địa phương”. Tháng 7-2024, “kho mở” chính thức mở cửa đón du khách đến tham quan. Hiện, Bảo tàng tỉnh đang tiếp tục triển khai tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá mô hình gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm như: Làm phim tư liệu về mô hình, pano, tờ rơi, báo chí, trên Website, Fanpage của Bảo tàng tỉnh; mở lớp đào tạo, tập huấn về kỹ năng xây dựng mô hình; kết nối và gắn với các hành trình du lịch, hướng tới đưa nơi đây thành điểm tham quan mới hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa Chăm xưa cho du khách.

Trung tâm trưng bày Văn hóa Chăm – Ảnh: Báo Bình Thuận

Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của Chương trình chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần đưa di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch của địa phương, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã và đang số hóa tài liệu, hiện vật, hoàn chỉnh nội dung, hình ảnh, quét mã QR để thuận lợi cho nhân dân và du khách tìm kiếm, thu nhận thông tin chính xác nhất. Bảo tàng tỉnh cũng tăng cường quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa các dân tộc nói chung và Chăm nói riêng ở Bình Thuận trên chuyển đổi số để du khách biết, lựa chọn thời gian, hình thức tham quan phù hợp.

Trên thực tế hiện nay, du lịch tìm hiểu, khám phá di tích lịch sử, di sản văn hóa các dân tộc nói chung và dân tộc Chăm nói riêng đã trở thành không thể thiếu với du khách trong hành trình đến với Bình Thuận. Di sản văn hóa dân tộc nếu được quảng bá và kết nối tốt, không chỉ giúp du lịch địa phương và các điểm đến là các di tích, trung tâm trưng bày, làng nghề… phát triển bền vững, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy thế mạnh di sản văn hóa trong cộng đồng như mục tiêu của Dự án 6 đề ra.

Xuân Hướng

Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ thuật – vanhoanghethuat.vn

Scroll to Top