Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Với việc triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt khoảng 61,2 triệu đồng/người, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên, từng bước ổn định cuộc sống.
Đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên
Đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, những năm qua, tỉnh đã lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các chương trình, dự án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; lồng ghép với nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, tỉnh đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, bảo tồn các lễ hội, phong tục tập quán, các giá trị văn hoá phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Hằng năm, tổ chức Ngày hội Văn hoá các dân tộc thiểu số với các hoạt động phong phú, đa dạng. Bên cạnh đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án về phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo tồn, phát huy văn hoá của đồng bào dân tộc Sán Dìu, huyện Tam Đảo; có kế hoạch đầu tư xây dựng một số Làng văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện: Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Đảo, nhằm bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng.
Đặc biệt, thực hiện thí điểm mô hình xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh gắn với thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp đã góp phần bảo tồn, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các địa phương, đặc biệt là các giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng người dân tộc thiểu số ở Vĩnh Phúc. Từ năm 2022 – 2024, các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn đã được lựa chọn 8 địa điểm để thực hiện mô hình thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; nguồn kinh phí thực hiện theo đề án của tỉnh và được lồng ghép từ các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhờ đó, đời sống kinh tế – xã hội người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến nay, người dân đã chú trọng đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hoá, các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi thói quen sản xuất tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hoá, dịch vụ như vận tải, ăn uống giải khát, phát triển du lịch… Các điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan như: Khu du lịch hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên; vườn Quốc gia Tam Đảo; du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử Tây Thiên, Tam Đảo; di tích lịch sử chiến khu Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên… Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng dân tộc thiếu số, tăng thu nhập cho người lao động.
Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp tục triển khai hiệu quả. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng. 100% xã miền núi được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% thôn bản có nhân viên y tế; 100% trạm y tế thực hiện khám chữa bệnh y học cổ truyền… góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho người dân vùng nông thôn nói chung, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh nói riêng. Đến nay, 100% người nghèo, cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế.
Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục được củng cố, quan tâm đầu tư. Đến nay, 100% các xã vùng dân tộc và miền núi có nhà văn hoá hoặc điểm bưu điện văn hoá; 100% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng. Công tác gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm thực hiện, như: Lễ hội Xuống đồng của dân tộc Cao Lan; hát Sọong cô của dân tộc Sán Dìu; lễ cấp sắc của người Dao, người Sán Dìu…
Với việc thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách đối với vùng dân tộc và miền núi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2020, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đạt 48 triệu đồng/người/năm, thì năm 2023, đạt gần 54 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,32% và đến hết năm 2024 dự kiến đạt khoảng 61,2 triệu đồng/người, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm nhanh xuống còn 0,98%; 11/11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Hồng Yến
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn