Tuyên Quang: Giữ gìn bản sắc dân tộc Dao thanh y

Trong các dịp lễ, Tết, chị em dân tộc Dao thanh y thôn 16, xã Tân Long (Yên Sơn, Tuyên Quang) lại rực rỡ trong bộ trang phục truyền thống tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ. Các bà, các chị trong thôn vẫn giữ nghề thêu truyền thống, làm trang phục cho con, cháu gái khi về nhà chồng… Đó là những cách thiết thực mà đồng bào nơi đây đang giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương.

Các thành viên Đội văn nghệ thôn 16, xã Tân Long (Yên Sơn) tập múa

Trên tay cầm chiếc mũ xinh xắn của con trai được thêu với nhiều hoa văn tinh tế, chị Lý Thị Nga, 27 tuổi, thôn 16 chia sẻ, từ nhỏ chị đã được bà, mẹ dạy thêu. Vì vậy, khi lớn lên chị đã có thể thêu được những hoa văn trên bộ váy truyền thống của dân tộc Dao thanh y và chuẩn bị cho mình một bộ váy thật đẹp khi về nhà chồng. Đến khi có con, chị tranh thủ thêu khăn, mũ… để giữ ấm cho con. Mẹ chồng chị cũng là người thêu rất khéo, nên chị đã học và được bà hướng dẫn thêm rất nhiều về kỹ thuật thêu, cách phối màu sao cho đẹp.

Là người có bàn tay khéo léo, chị Đặng Thị Hồng bày tỏ, trang phục của người phụ nữ Dao thanh y có rất nhiều bộ phận, gồm áo dài, yếm, khăn đội đầu, dây đai, thắt lưng… Ngoài ra còn kèm trang sức bằng bạc như vòng cổ, dây xà tích, vòng tay. Mỗi bộ phận đều được thêu các hoa văn rất tỉ mỉ, với màu sắc chủ đạo là đỏ, trắng, đen. Đặc biệt là màu đỏ rực rỡ, tạo nên đặc trưng cho bộ trang phục. Vì vậy, để làm hoàn chỉnh một bộ trang phục truyền thống cho người con gái khi về nhà chồng phải mất cả năm. Nghề thêu truyền thống đã và đang được các bà, các mẹ, các chị trong thôn giữ gìn và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Nhờ đó mà không bị mai một.

Ông Đặng Văn Thông, người có uy tín thôn 16, xã Tân Long (Yên Sơn) tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng nông thôn mới

Ông Đặng Văn Thông, người có uy tín trong thôn cho biết, thôn có hơn 100 hộ, trong đó có 64 hộ dân tộc Dao thanh y. Trong những năm qua, ông đã phối hợp với các đoàn thể thôn tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong thôn giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc như: Tiếng nói, trang phục truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp (duy trì việc hát đối đáp giữa nhà trai và nhà gái trong lễ cưới; lễ cầu làng thực hiện 4 lần trong năm cầu cho mưa thuận gió hoà, nhân dân được khoẻ mạnh, ấm no, hạnh phúc …). Bên cạnh đó, những hủ tục cũng dần bị loại bỏ, góp phần thực hiện hiệu quả “nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Chiếc mũ đội đầu được trang trí bằng bạc, vòng bạc đeo cổ… là những trang sức không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao thanh y

Đội văn nghệ của thôn có hơn 10 thành viên, thường xuyên luyện tập hát, múa để phục vụ các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong thôn, xã. Những điệu múa truyền thống như múa cấp sắc, cầu mùa, hát Páo dung… được các thành viên hướng dẫn nhau và cùng tập luyện. Chị Tương Thị Huyền, thành viên Đội văn nghệ thôn bày tỏ, chị và các thành viên trẻ lúc đầu chưa biết múa cầu mùa, cấp sắc, hát Páo dung đã được các bà, các bác, các cô chỉ bảo, hướng dẫn nhiệt tình. Chị rất tự hào về truyền thống dân tộc Dao thanh y và mong muốn góp một phần nhỏ bé để cùng mọi người giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá dân tộc trong cuộc sống hàng ngày.

Chiếc mũ đội đầu được trang trí bằng bạc, vòng bạc đeo cổ… là những trang sức không thể thiếu trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao thanh y

Trên con đường bê tông sạch đẹp trải dài trục chính của thôn, những hàng cau, vườn bưởi xanh mướt, đời sống của bà con trong thôn 16, xã Tân Long đang ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, bà con luôn chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và lấy đó làm động lực góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.

Huyền Linh

Báo Tuyên Quang Online – baotuyenquang.com.vn

Scroll to Top