Sắc Thái trên vùng biên Ia H’Drai – Kon Tum
Dù đời sống kinh tế vẫn còn đó những vất vả, khó khăn, nhưng bà con người Thái tại huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum vẫn luôn biết cách gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Từ việc dệt thổ cẩm, cho đến những giai điệu cồng chiêng, điệu xòe, điệu sạp đầy lôi cuốn, tất cả tạo nên một không gian văn hóa mang đậm sắc Thái tại miền biên viễn của Tổ quốc.
Qua sự giới thiệu của huyện, chúng tôi có mặt tại xã Ia Đal (huyện Ia H’Drai) để tìm hiểu, trải nghiệm về dệt thổ cẩm của người Thái. Theo quan niệm của người Thái, việc mặc đồ thổ cẩm trong các lễ hội truyền thống đóng vai trò quan trọng, nhất là trong các nghi lễ dân gian. Thổ cẩm truyền thống mang hồn cốt văn hóa dân tộc Thái. Chính vì vậy, nhiều người phụ nữ Thái vẫn còn giữ nghề dệt thổ cẩm.
Bên khung cửi, bà Lương Thị Hoa – thôn 8, xã Ia Đal vẫn đang miệt mài ngồi dệt. Trò chuyện với chúng tôi, bà Lương Thị Hoa cởi mở: “Quê tôi tại bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, tôi đã được biết đến dệt thổ cẩm từ gia đình. Tới khi đến với vùng đất này để định cư, lập nghiệp, tôi vẫn giữ khung cửi từ quê nhà để có thể truyền dạy lại cho con cháu, truyền “lửa” cho thế hệ mai sau về thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình”.
Bà con người Thái giữ gìn dệt thổ cẩm truyền thống. Ảnh: T.T
Theo bà Lương Thị Hoa, thổ cẩm của dân tộc Thái luôn có màu xanh của cây cối, màu hồng, trắng, đỏ của hoa rừng, màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Dưới bàn tay của người dệt, tấm thổ cẩm được kết hợp khéo léo các màu sắc khác nhau tùy vào mục đích của người sử dụng. Đối với trang phục của người trẻ, họ thường chọn những gam màu sáng, với nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, tạo sự cuốn hút riêng. Đối với những những người đã lớn tuổi, thì họ lại chọn cho mình những gam màu đậm làm chủ đạo, tạo cảm giác trầm mặc, từng trải, thể hiện dấu ấn của thời gian.
Về họa tiết thổ cẩm, người Thái sử dụng những hình tượng như con hươu, con nai, hoa mặt trời. Trong quá trình dệt, người Thái còn có thể tự tạo ra các họa tiết khác. Điều này làm thể hiện sự sáng tạo của người dệt, đồng thời, góp phần tạo nên sự đa dạng trong họa tiết trên trang phục của người Thái.
Ngày nay, trên thị trường có rất nhiều lụa thổ cẩm, tuy nhiên người Thái tại địa bàn huyện vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt đối với thổ cẩm truyền thống của dân tộc. Những bộ trang phục, những chiếc khăn piêu, những tấm rèm che thổ cẩm vẫn được bà con sử dụng hằng ngày. Không chỉ mang vẻ đẹp với những màu sắc, họa tiết độc đáo, việc sử dụng thổ cẩm còn là một cách để người Thái giữ gìn bản sắc văn hóa và lưu truyền cho thế hệ sau.
Sau khi tạm biệt bà Lương Thị Hoa, chúng tôi đến với xã Ia Dom để được hòa mình vào những điệu cồng chiêng của bà con dân tộc Thái trên địa bàn.
Ông Nguyễn Ngọc Quang – Chủ tịch UBND xã Ia Dom niềm nở: “Nghe có các anh về thôn để tìm hiểu văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình, bà con ai nấy đều vui lắm! Từ sáng sớm, mọi người đã tập trung cùng nhau để tập luyện, trình diễn những tiết mục cồng chiêng đặc sắc nhất. Bà con mong muốn, qua báo chí, văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình ngày càng lan tỏa và được nhiều người biết đến”.
Theo tìm hiểu, hiện tại xã Ia Dom có hai đội đã tham gia Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS lần thứ II, năm 2024. Trong đó, đội cồng chiêng tại thôn 4 có 18 thành viên và đội cồng chiêng tại thôn 5 có 15 thành viên. Dù đa phần người dân đều từ các tỉnh phía Bắc đến đây định cư, lập nghiệp, tuy nhiên văn hóa cồng chiêng vẫn được bà con mang theo bên mình đến quê hương mới. Tại đây, bà con tiếp tục duy trì và truyền lại văn hóa cồng chiêng cho thế hệ sau, như một cách để nhớ về cội nguồn, về những tinh hoa trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Chị Phạm Thị Vân – thôn 4, xã Ia Dom trò chuyện: “Đối với dân tộc Thái, cồng chiêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cồng chiêng luôn có mặt trong nhiều hoạt động truyền thống của người Thái. Từ xa xưa, người Thái quan niệm, âm thanh của cồng chiêng là “ngôn ngữ” để giao tiếp với đất trời, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Cồng chiêng được bà con đánh lên vào các dịp vui xuân, đón tết, lễ hội hoặc trong làng có các sự kiện vui, buồn”.
Khác với văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tại Tây Nguyên, mỗi giàn cồng chiêng của người Thái chỉ có 4 chiếc. Vào mỗi dịp lễ hội, bà con người Thái thường treo dàn cồng chiêng lên một chỗ cố định, sau đó đánh theo từng bài nhạc. Trong lúc đó, phụ nữ sẽ đắm mình trong điệu xòe, điệu sạp lôi cuốn.
Thổ cẩm truyền thống trình diễn tại các hội thi. Ảnh: T.T
Tùng cheng… tùng cheng…tùng cheng… Dàn hợp xướng của cồng chiêng và trống vang vọng đất trời! Giai điệu cồng chiêng có lúc nhanh, lúc chậm, lúc dồn dập, lúc lại nhẹ nhàng từ tốn, tuy nhiên tất cả giai điệu đều có một điểm chung là toát lên sự mạnh mẽ, rắn rỏi. Để tạo thêm sự liên kết, người Thái còn thêm nhạc cụ là trống to, góp phần tạo sự hài hòa giữa tiếng trống, tiếng chiêng, cho giai điệu thêm phần sôi động, cuốn hút.
Chỉ bằng những âm thanh, những điệu xòe, điệu sạp, bà con người Thái đã thể hiện một cách chân thực, sống động về đời sống hằng ngày. Các nghi lễ, lễ hội truyền thống lâu đời của người Thái được tái hiện ngay trước mắt chúng tôi: Lễ kết nghĩa giữa làng với Đồn Biên phòng, múa khua luống mừng lúa mới, thủ tục cưới hỏi, lễ hội mừng năm mới.
Theo tìm hiểu, dệt thổ cẩm và văn hóa cồng chiêng chỉ là hai trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc Thái tại huyện Ia H’Drai. Thời gian qua, huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng người DTTS nói chung trên địa bàn.
Huyện đã rà soát và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống nhà văn hóa thôn. Hiện nay, 100% thôn trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa hoặc khu sinh hoạt cộng đồng, trong đó có 11 nhà văn hóa đạt chuẩn. Đối với việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, huyện trang bị 18 bộ cồng chiêng và 2 bộ đàn tính cho 21 thôn. Công tác truyền dạy cồng chiêng được chú trọng. Đặc biệt, huyện đã đưa di sản văn hóa cồng chiêng vào trường học thông qua các hoạt động ngoại khóa, với sự tham gia của các nghệ nhân tại địa phương.
Qua những trải nghiệm từ chuyến đi, chúng tôi càng thêm hiểu và trân quý hơn về những bản sắc, văn hóa của Thái tại miền biên viễn. Hy vọng rằng, với sự nhiệt huyết, bà con người Thái tại vùng đất này sẽ tiếp tục duy trì và phát triển bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến tận mai sau.
Tất Thành
Báo Kon Tum – baokontum.com.vn