Phú Thọ: Gìn giữ nếp nhà sàn của người Mường

Những năm qua, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đồng bào dân tộc Mường, huyện Tân Sơn luôn phát huy tinh thần đoàn kết, gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa ngôi nhà sàn truyền thống – nó là minh chứng rõ nhất về cuộc sống và phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng người Mường nơi đây.


Gia đình ông Rạch (ở giữa) hiện vẫn giữ được ngôi nhà sàn truyền thống

Chúng tôi có dịp đến bản Cón, thăm ngôi nhà sàn của già làng Hà Văn Rạch (93 tuổi), xã Thu Cúc, được biết gia đình ông Rạch là một trong những hộ còn lưu giữ được nhà sàn và những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mường.

Dưới cái nắng hanh hao, ngôi nhà sàn lưng tựa bên đồi, sự yên ả nên thơ khiến chúng tôi ai đấy đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi mới chỉ vừa đặt chân đến đầu nhà. Già làng Rạch bảo: “Nhà này có từ lâu lắm rồi, trong nhà của cải cũng không giá trị bằng nếp nhà sàn này đâu vì nó là tất cả tinh thần, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Mường chúng tôi đấy”.

Với người Mường, sàn nhà là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi, còn gầm sàn nhà dùng để chứa các dụng cụ sản xuất, trước đây họ dùng để nhốt các gia súc, gia cầm tuy nhiên ngày nay, để bảo đảm vệ sinh môi trường, bà con không còn nuôi gia súc dưới gầm sàn nữa, mà tận dụng làm nơi sinh hoạt của gia đình, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Giữa các gian trong nhà thường không có vách ngăn một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt mang tính chất tượng trưng. Không gian nhà được chia theo cả chiều dọc và chiều ngang. Từ cầu thang chính bước vào phần giữa sàn nhà, phía ngoài là để tiếp khách, phía trong là nơi sinh hoạt của cả gia đình. Nhà thường có nhiều cửa sổ, bởi thế nên trong nhà luôn ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hà Thị Lý – Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân gian xã Thu Cúc chia sẻ: Qua thời gian, những ngôi nhà sàn cũng dần mai một tuy nhiên không phải vì thế mà nhà sàn không còn hiện hữu trong đời sống của đồng bào Mường, những ngôi nhà sàn như thế này ở đây vẫn còn nhiều lắm, chúng tôi vẫn thường biểu diễn văn nghệ, hát múa bên những ngôi nhà sàn truyền thống như thế này để mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào mình và cho thế hệ trẻ thêm yêu và có ý thức gắn bó, giữ gìn.


Khung cơ bản của nhà sàn đồng bào Mường

Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể về số lượng nhà sàn của đồng bào Mường trên địa bàn huyện tuy nhiên các địa phương luôn tích cực tuyên truyền Nhân dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng mình trong đó có việc gìn giữ những nếp nhà sàn truyền thống, thậm chí là gắn với phát triển du lịch. Tiêu biểu như các bản Dù, Lấp, Cỏi… xã Xuân Sơn hiện nay.

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên độc đáo cũng những nét văn hóa của đồng bào Mường, Dao, Xuân Sơn hiện nay đang là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đặt chân đến Phú Thọ. Vì thế việc lưu giữ, bảo tồn những nếp nhà sàn truyền thống cũng là cách để người dân tạo sức hút trong phát triển du lịch tại vùng đất này.

Từng có dịp về xã Xuân Sơn cách đây không lâu, trong một lần đến thăm nhà sàn của người Mường, ông Hoàng Công Bất – Người uy tín của xã chia sẻ với chúng tôi: “Nhà sàn vẫn còn nhiều nhưng để giữ được những bếp cổ gắn liền với không gian sinh hoạt trong ngôi nhà sàn như thời xưa thì không còn bao. Với người Mường chúng tôi, trên nhà sàn không có bếp lửa thì không phải người Mường. Theo thời gian, ngày nay quan niệm đó đã dần mai một song vẫn được giữ lại những phong tục của người bản địa”.

Qua trò chuyện với người dân trong bản, chúng tôi được hiểu thêm với đồng bào Mường xưa kia, bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà, đây không chỉ là nơi chuẩn bị những món ăn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình. Không gian bếp gồm bếp nấu và gác bếp. Gác bếp được dùng để sấy khô các lương thực, thực phẩm như: Thịt, ngô giống, lúa giống… và một số nông cụ. Kiềng bếp được người Mường coi là vua bếp, Tết đến người dân trong bản thường treo một bó nhỏ vừa nắm tay gồm: Trẩu, trầu, cau, vôi, thuốc lào vào dựa bếp để cúng vua bếp, cầu mong về sự bình yên, no đủ…

Đa phần những gia đình có người già thì vẫn giữ được bếp trong ngôi nhà, thường là để sưởi ấm khi trời lạnh hoặc không ngủ được dậy sớm đun nước. Còn đối với cô dâu mới về nhà chồng là tiện để sáng dậy sớm nhóm lửa, đun nước, chuẩn bị cơm mà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình.


Không gian bếp của người Mường, bản Lấp, xã Xuân Sơn

Để phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân, nâng cao nhận thức, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống, khuyến khích người dân sửa chữa, tôn tạo đảm bảo với cuộc sống mới nhưng không làm mất đi nét đặc trưng của nhà sàn người Mường.

Thu Hương

Báo Phú Thọ – baophutho.vn

Scroll to Top