Ninh Thuận chú trọng nâng cao đời sống đồng bào Raglay

Trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng quan tâm nâng cao đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội vùng đồng bào DTTS. Đặc biệt, với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719) đồng bào Raglay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã và đang có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên.

Đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào Raglay đã có nhiều chuyển biến đáng kể trong những năm gần đây.
Đời sống kinh tế – xã hội của đồng bào Raglay đã có nhiều chuyển biến đáng kể trong những năm gần đây

Giúp đồng bào có cuộc sống tốt đẹp hơn

Ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, trước đây, Cầu Gãy và Đá Hang là hai thôn đồng bào dân tộc Raglay có tỷ lệ hộ nghèo cao (chiếm 71,4% toàn xã). Một phần bởi diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi núi, một phần do thời thiết, luôn thiếu nước vào mùa khô.

Những thành tựu đạt được của tinh Ninh Thuận trong thời gian qua là cơ sở vững chắc để đồng bào vùng DTTS và miền núi luôn phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không ngừng phấn đấu vươn lên, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước”.

Ông Bá Bình YênPhó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận

Nhưng nay, đời sống kinh tế – xã hội ở hai thôn đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Theo Trưởng thôn thôn Đá Hang, ông Cao Văn Giác, đồng bào Raglay ở thôn hiện không còn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Thanh niên, trai tráng đã chí thú làm ruộng, chăn nuôi, hoặc đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Hơn một nửa số hộ trong thôn hiện đã có nhà khang trang, trong đó có 35 hộ tự xây được nhà kiên cố.

Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc. Điển hình, như năm 2023, chính quyền xã Vĩnh Hải đã xây dựng kế hoạch nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chính sách dân tộc là 8,5 tỷ đồng; vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 trên 1 tỷ đồng.

“Nguồn lực này đã tạo điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương; đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo với các mô hình sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào Raglay” – bà Nguyễn Thị Mỹ Nhơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho biết,

Những chuyển biến tích cực tại xã Vĩnh Hải là ví dụ cho sự vươn lên của đồng bào Raglay ở tỉnh Ninh Thuận. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, các chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, kịp thời trong thời gian qua đã góp phần giúp đồng bào Raglay có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đồng bào được đầu tư, nâng cấp và ngày càng hoàn thiện…

Với hơn 84% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc Raglay, huyện Bác Ái có nhiều nét văn hóa, lễ hội độc đáo, hấp dẫn (Ảnh minh họa).
Với hơn 84% dân số trên địa bàn là đồng bào dân tộc Raglay, huyện Bác Ái có nhiều nét văn hóa, lễ hội độc đáo, hấp dẫn. Ảnh minh họa

Động lực phát triển từ văn hóa DTTS

Song song với triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội cho đồng bào DTTS, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh Ninh Thuận đã chú trọng xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào Raglay.

Như ở huyện Bác Ái, với hơn 84% dân số là đồng bào dân tộc Raglay, có nhiều nét văn hóa, lễ hội độc đáo, hấp dẫn, trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn huyện Bác Ái luôn chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Raglay.

Bằng các chính sách, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đến nay, 100% thôn trên địa bàn huyện Bác Ái có Nhà văn hóa – thể thao, là nơi tổ chức sự kiện chính trị, hoạt động văn hóa tinh thần cho Nhân dân; 38/38 thôn có đội Mã la, văn nghệ dân gian; toàn huyện có 90% đạt gia đình văn hóa và có 95% cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa…

Đồng thời, huyện tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế cho đồng bào Raglai và Churu trên địa bàn với việc tham gia hướng dẫn các tour du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử, trải nghiệm văn hóa. Điển hình là mô hình du lịch cộng đồng tại xã Phước Bình và một số địa phương trong huyện đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hằng chục hộ đồng bào DTTS. Tính đến nay, đã có hơn 30 hộ đầu tư gần 50 nhà sàn, gắn với vườn cây ăn trái để làm du lịch. Ba đội văn nghệ dân gian ở các thôn Bố Lang, Hành Rạc 1 và 2, thôn Bạc Rây 2, xã Phước Bình thường xuyên có các hoạt động biểu diễn phục vụ du khách.

Để giữ gìn, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn, chính quyền huyện Bác Ái đã đưa quy ước, hương ước của thôn văn hóa vào phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các cuộc vận động như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Từ đó, tạo thành phong trào thi đua chung của mọi tầng lớp Nhân dân.

Cùng với đó, huyện chú trọng phát huy mạnh mẽ vai trò của các già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong đồng bào DTTS. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống từ nguồn lực của Chương trình MTQG 1719. Đông thời, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người và những nét văn hóa đặc sắc của địa phương để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.

Theo ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, những thành tựu đạt được của tinh Ninh Thuận trong thời gian qua là cơ sở vững chắc để đồng bào vùng DTTS và miền núi luôn phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, không ngừng phấn đấu vươn lên, luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới của đất nước.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, các chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, kịp thời trong thời gian qua đã góp phần giúp đồng bào Raglay có cuộc sống tốt đẹp hơn. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho đồng bào được đầu tư, nâng cấp và ngày càng hoàn thiện…

Minh Thu 

Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn

Scroll to Top