Kon Tum: Tạo động lực gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số

Trong dòng thông tin thời sự tuần qua, sự kiện Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II, năm 2024 thu hút được nhiều sự quan tâm. Đây không chỉ là ngày hội, dịp tôn vinh văn hóa của đồng bào các DTTS mà còn là cơ hội để mọi người dân trong và ngoài tỉnh tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 11-14/12) với đa dạng các hoạt động, trong đó, điểm nhấn là Lễ hội đường phố; Trình diễn các di sản văn hóa dân tộc, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS…quy tụ sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, nghệ sĩ đại diện cho các DTTS trên địa bàn tỉnh đã tạo nên bữa tiệc văn hóa sôi động, đặc sắc. Qua từng tiết mục biểu diễn, từng phần thi thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh ta với 43 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm hơn 54% dân số của toàn tỉnh; trong đó, có 7 dân tộc tại chỗ Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Gié Triêng, Hrê, Brâu và Rơ Măm. Trải qua một quá trình dài phát triển, từ trong lao động, sản xuất, cuộc sống sinh hoạt thường ngày, các dân tộc đã tạo nên kho tàng tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, với nhiều phong tục tập quán, trang phục, kiến trúc nhà ở, lễ hội dân gian độc đáo, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu.

Đặc biệt, cùng với các tỉnh Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào DTTS Kon Tum đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 góp phần tạo động lực để người dân gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa. Ảnh: T.H 

Xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS là nhiệm vụ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh  ta quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng các nghị quyết, chương trình cụ thể.

Tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh ta đã đề ra nhiệm vụ “tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các di tích lịch sử cách mạng gắn với phát huy các tuyến, điểm du lịch”.  Ngày 30/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 – 2025” nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động trong việc gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập. Ngày 16/2/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI cũng đã có Nghị quyết 08-NQ/TU về “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ đến năm 2025, định hướng 2030” và sau đó, UBND tỉnh đã ban hành Đề án triển khai công tác này. Trong đó, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trên cơ sở chỉ đạo ngành Văn hóa, các ngành có liên quan, các địa phương xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động nhằm gìn giữ, bảo tồn, khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Trong đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, người dân về vị trí, vai trò văn hóa truyền thống; việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc; nghiên cứu, phục dựng lễ hội truyền thống tiêu biểu của từng dân tộc; sưu tầm loại hình ngữ văn dân gian, như sử thi, ca dao, dân ca, truyện cổ và tư liệu hóa, xuất bản thành các ấn phẩm nhằm phổ biến lại trong cộng đồng. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, nhất là nhà nhà rông truyền thống của đồng bào các DTTS; đẩy mạnh công tác trao truyền văn hóa nhằm nuôi dưỡng tình yêu và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Các nghệ nhân có những đóng góp tiêu biểu xuất sắc trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống đã được phát hiện, tôn vinh kịp thời.

Các giá trị văn hóa truyền thống được đồng bào các DTTS tích cực gìn giữ, phát huy. Ảnh: TH 

Song song với công tác bảo tồn, các cấp, các ngành của tỉnh cũng chú trọng khai thác, phát huy nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, phong phú, quý giá của các DTTS trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch bền vững. Từ đó, đưa di sản văn hóa trở thành “sản phẩm” hàng hóa đặc biệt, giúp cải thiện đời sống của người dân, cộng đồng các DTTS, vừa góp phần tạo thêm động lực để người dân tiếp tục gìn giữ, bảo tồn tốt hơn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Đặc biệt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, triển khai đồng bộ ở các cấp, trong đó, ưu tiên lấy trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống làm chủ đạo, nổi bật như Ngày hội Văn hóa – Thể thao các DTTS, Tuần Văn hóa – Du lịch và Hội thi cồng chiêng, xoang DTTS.

Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II có thể nói là ngày hội đặc biệt để những người yêu văn hóa gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Qua đó nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS. Đây cũng dịp để tỉnh ta quảng bá, giới thiệu, lan tỏa văn hóa của các DTTS tỉnh Kon Tum với người dân, du khách, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, những hoạt động như Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V và Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, góp phần khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, tạo động lực khích lệ các thế hệ gìn giữ, bảo tồn; đồng thời, nhìn nhận khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Thùy Hương

Báo Kon Tum – baokontum.com.vn

Scroll to Top