Hát Pả dung – nét văn hóa đặc sắc của người Dao Thái Nguyên

Xuất phát từ lao động sản xuất, tín ngưỡng hay phong tục tập quán đặc trưng mà mỗi dân tộc đều có một làn điệu dân ca thể hiện được nét văn hóa của dân tộc mình. Đối với người Dao ở Định Hoá (Thái Nguyên) làn điệu Pả Dung như tài sản vô giá để nuôi dưỡng tâm hồn, thể hiện tình yêu quê hương đất nước.

Ảnh 14.2.jpg
CLB phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao tại Định Hoá​

Là huyện miền núi có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm tới 73%, huyện Định Hóa có sự đa dạng và rất giàu bản sắc văn hóa. Trong đó, phải nhắc tới nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, như: Dân ca, dân vũ, Lễ hội Lồng Tồng, hát Then của người Tày; hát Sấng Cọ, múa Tắc Xình của người Sán Chay; hát Pả Dung của người Dao… Chính vì vậy, để những giá trị truyền thống này được lưu truyền, công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được địa phương quan tâm.

Người Dao ở huyện Định Hóa sinh sống tại tất cả 23 xã, thị trấn, nhưng tập trung nhiều ở các xã Phúc Chu, Phú Đình, Bảo Linh và Kim Phượng, chủ yếu là người Dao Coóc Mùn. Cộng đồng người Dao ở đây đã và đang cùng nhau gìn giữ, phát huy nhiều bản sắc văn hóa của dân tộc mình đến tận ngày nay, như: Trang phục, Lễ cấp sắc, lễ cúng, hát Pả dung…

Anh 14.1.jpg
Nghệ nhân Bàn Thị Hồng, người dân tộc Dao, xã Phúc Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên cùng các thành viên trong CLB tập hát làn điệu Pả Dung

Hát Pả Dung còn gọi là Pá Dung hay Páo Dung. Người Dao ở Định Hóa không biết lối hát này ra đời từ bao giờ, chỉ biết rằng làn điệu Pả Dung gắn bó với cộng đồng dân tộc Dao từ ngàn xưa. Thông qua hát Pả Dung, người Dao gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước nguyện của mình về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hát Pả dung được chia thành nhiều loại khác nhau, trong đó, hát Pả dung sinh hoạt gồm các bài hát ru, hát vui chơi, hát giao duyên, hát đối đáp nam nữ, hát than…; hát Pả dung lễ nghi tín ngưỡng, phong tục là những bài hát sử dụng trong các nghi lễ truyền thống của đồng bào Dao, như: Hát trong lễ Cấp sắc, lễ cưới, đám tang, cúng đầy tháng…; hát Pả dung trong lao động gồm những bài hát ca ngợi lao động, sản xuất, cảnh đẹp thiên nhiên, thời tiết, mùa vụ, được các thế hệ người Dao tích lũy và truyền lại.

Lời ca chủ yếu hình thành, tồn tại dưới dạng cấu trúc thơ, thể thơ thất ngôn. Một bài hát thường gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ; hai câu hợp lại thành một ý, hai ý trọn vẹn là một bài, khi hát có thể nhấn nhá, dùng từ đệm để kéo dài câu hát. Giai điệu cơ bản giống nhau, nhưng mỗi làn điệu khác nhau lại được diễn xuất với giọng điệu, âm hưởng khác nhau để trở nên mượt mà, mềm mại, êm ái, tha thiết hay khoẻ khoắn, hùng tráng…

Nghệ nhân Bàn Thị Hồng, người dân tộc Dao, xã Phúc Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: hát Pả Dung có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc Dao bởi vậy, cùng với việc sưu tầm, gìn giữ các lời hát cổ, tôi còn sáng tác lời hát mới và cùng các thành viên trong CLB thường xuyên giao lưu văn hoá, văn nghệ và truyền dạy cho người trẻ.

Bà Hoàng Thị Ngà – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hàng năm, chúng tôi đều đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các CLB văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về văn hóa truyền thống còn lưu giữ được trong nhân dân, sau đó dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền.

Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” nhiều di tích được bảo tồn, tôn tạo, khôi phục. Các giá trị văn hóa tinh thần cũng được khuyến khích phát triển… Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, từng bước góp phần quan trọng giúp bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Có thể thấy, hát Pả dung trong đời sống tâm linh của người Dao ở Định Hoá, Thái Nguyên không chỉ là một hình thức tín ngưỡng mà còn là văn hoá, là bản sắc của người Dao. Bởi vậy, cuối tháng 10/2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã công nhận bổ sung thêm 8 di sản văn hóa phi vật thể vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có hát dân ca Pả dung và lễ Cấp sắc của người Dao.Nghệ nhân Bàn Thị Hồng, người dân tộc Dao, xã Phúc Chu, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên cùng các thành viên trong CLB tập hát làn điệu Pả Dung.

Hoàng Thảo Nguyên

Báo Dân tộc miền Núi – dantocmiennui.vn

Scroll to Top