Gia Lai: Mlăh phấn đấu trở thành điểm du lịch nông thôn

Buôn Mlăh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ khá đầy đủ các giá trị văn hóa của người Jrai vùng hạ du sông Ba. Vì vậy, buôn Mlăh được huyện Krông Pa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, định hướng xây dựng thành điểm du lịch nông thôn.

Vùng đất giữa 2 sông

Buôn Mlăh là doi đất bồi giữa 2 sông Ba và Mlăh. Dòng chảy của sông Mlăh ôm trọn phía Tây ngôi làng trước khi hợp lưu với sông Ba ở phía Nam. Vị thế này khiến buôn Mlăh như một nàng thơ trên vùng đất quanh năm khô nóng. Buôn Mlăh có 321 hộ, phần lớn là đồng bào Jrai. Bà con vẫn giữ gìn nguyên vẹn kiến trúc nhà dài truyền thống lẫn các giá trị văn hóa tiêu biểu của người Jrai vùng hạ lưu sông Ba.

ngoi-nha-dai-cua-nghe-nhan-kpa-bun.jpg

Ngôi nhà dài của nghệ nhân Kpă Bưn. Ảnh: M.C

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu trầm tích văn hóa, nghệ nhân Kpă Bưn xem tiếng trống, tiếng cồng chiêng như mạch nước nguồn nuôi dưỡng tâm hồn. Trong ngôi nhà dài đậm kiến trúc truyền thống, bộ chiêng cổ và những chiếc trống quý được nghệ nhân dành cho một góc trang trọng. Với ông, đó không chỉ là tài sản giá trị mà còn là niềm tự hào của gia đình.

Nghệ nhân Kpă Bưn chia sẻ: “Mình không chỉ được kế thừa cồng chiêng từ cha mẹ để lại, mà từ nhỏ đã học cách đánh chiêng, đánh trống, thuộc nhiều bài chiêng cổ, biết làm trống da. Bộ chiêng trống của gia đình mình thường được buôn mượn dùng trong các dịp lễ hội lớn của cộng đồng”.

Được xem là “nhạc trưởng” của buôn Mlăh, nghệ nhân Kpă Bưn không chỉ đánh chiêng giỏi mà còn có tài đánh trống, múa trống điệu nghệ. Kỹ năng ấy được ông dành nhiều thời gian, tâm huyết trao truyền lại cho lớp trẻ.

“Mình biết làm trống, biết đánh chiêng mà lớp trẻ không biết thì cũng không ý nghĩa gì, bởi sau này không có người tiếp nối gìn giữ văn hóa truyền thống. Vì vậy, mình cố gắng dạy lại cho lũ nhỏ. Sau này, chúng thay mình giữ lại văn hóa của cha ông”-ông Bưn cho hay.

Em Ksor Phó-cháu của nghệ nhân Kpă Bưn-tâm sự: “Ông thường kể cho chúng em nghe chuyện xưa, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Jrai và căn dặn ra sức giữ gìn. Ông dạy em và các bạn cách đánh chiêng, đánh trống. Ai cũng cố gắng học hỏi để sau này có thể đánh chiêng, múa trống giỏi như ông”.

Dứt lời, em Ksor Phó và nghệ nhân Kpă Bưn đã biểu diễn tặng chúng tôi một điệu múa trống rộn ràng, sống động minh chứng cho sự tiếp nối và trao truyền vốn quý văn hóa Tây Nguyên.

Xây dựng điểm du lịch nông thôn

Mlăh được huyện Krông Pa chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, trong kế hoạch phát triển du lịch, buôn Mlăh còn được kỳ vọng là một trong những điểm trải nghiệm văn hóa thú vị. Với sự định hướng, giúp sức của chính quyền địa phương, bà con Jrai nơi đây dần có ý thức xây dựng buôn thành điểm đến du lịch hấp dẫn.


Người Jrai ở buôn Mlăh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa) còn lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. Ảnh: M.C

Anh Ksor Hú-Bí thư Chi bộ buôn Mlăh-cho biết: “Buôn Mlăh có lợi thế nhờ thiên nhiên, phong cảnh đẹp, giao thông thuận lợi khi chỉ cách thị trấn Phú Túc hơn 2 km. Đặc biệt, người dân còn lưu giữ nếp sống, sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng truyền thống rất độc đáo của đồng bào Jrai.

Song, để phát triển thành điểm du lịch nông thôn hấp dẫn, bà con cần được hướng dẫn theo kiểu “cầm tay chỉ việc”. Chúng tôi khuyến khích bà con tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa như cồng chiêng, dệt thổ cẩm, ẩm thực để từ các giá trị sẵn có này mà khai thác phát triển du lịch hiệu quả”.

Để hỗ trợ địa phương trong việc định hình, xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức đoàn khảo sát tại buôn Mlăh với sự tham gia của các doanh nghiệp, chuyên gia. Trong ngôi nhà dài truyền thống của người Jrai, nghệ nhân Kpă Bưn hào hứng giới thiệu cho đoàn bộ chiêng cổ, những chiếc trống quý được gia đình lưu giữ, trao truyền qua bao đời.

Cùng với đó, nhiều câu chuyện thú vị về phong tục tập quán, lễ hội trong đời sống cộng đồng cũng được ông chia sẻ bằng sự hiểu biết sâu sắc của bản thân, gây ấn tượng mạnh với các thành viên đoàn khảo sát.

Dưới gầm ngôi nhà dài của gia đình, ông Bưn sắp xếp không gian đan lát, dệt thổ cẩm giúp cho khách phương xa trực tiếp trải nghiệm quy trình làm ra một chiếc gùi từ tre nứa hay một tấm thổ cẩm mang những hoa văn, họa tiết đặc trưng của người Jrai.

Cùng với đó là những món ăn tôn vinh giá trị ẩm thực gắn với khí hậu khô nóng của vùng đất Krông Pa như: cà đắng, lá mì, thịt bò một nắng, muối kiến vàng, cơm lúa rẫy, rượu cần…

Nghệ nhân Kpă Bưn bày tỏ: “Mình rất vui khi đón khách quý đến thăm. Mình còn muốn giới thiệu cho mọi người biết nhiều hơn vẻ đẹp trong văn hóa của người Jrai như: cồng chiêng, múa trống, đan lát, thổ cẩm, rượu cần… Mình tin rằng khách sẽ thích, yêu quý và lưu lại nơi này lâu hơn sau khi được trải nghiệm”.

nghe-nhan-kpa-bun-gioi-thieu-bo-chieng-co-va-nhung-chiec-trong-quy-con-luu-giu-trong-gia-dinh.jpg

Nghệ nhân Kpă Bưn giới thiệu bộ chiêng cổ và những chiếc trống quý còn lưu giữ trong gia đình. Ảnh: M.C

Ông Trần Như Lý-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Krông Pa-cho biết: “Buôn Mlăh (xã Phú Cần) và Ma Giai (xã Đất Bằng) nằm trong kế hoạch phát triển du lịch nông thôn của huyện. Chúng tôi mong muốn chuyên gia, các đoàn khảo sát về tư vấn, nhà đầu tư hỗ trợ địa phương khai thác điểm mạnh văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch”.

Đánh thức tiềm năng, phát triển được loại hình du lịch cộng đồng, du lịch xanh tại các buôn làng là một câu chuyện dài, còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, sự giúp sức, định hướng của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa là yếu tố rất cần thiết.

Sự thay đổi nhận thức, ý chí, quyết tâm đổi mới của bà con Jrai ở buôn Mlăh về cách làm du lịch dựa trên giá trị di sản văn hóa của dân tộc là sự chuyển động tích cực để các điểm du lịch nông thôn thành hình và phát triển bền vững.

Minh Châu

Báo Gia Lai – baogialai.com.vn – Đăng ngày 12/12/2024

Scroll to Top