Đa dạng sắc màu văn hóa các dân tộc thiểu số Đắk Nông

Đắk Nông hiện có 40 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Nhóm đồng bào các dân tộc tại chỗ như Mơ Nông, Mạ, Ê Đê cùng dân tộc Kinh sinh sống lâu đời trên mảnh đất Tây Nguyên và các dân tộc miền núi phía bắc di cư vào lập nghiệp như Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao, H’Mông…


Nghi lễ mừng lúa mới của người Mạ, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông.

Các dân tộc đến định cư mang theo bản sắc văn hóa đa dạng, tiến trình giao thoa văn hóa đã tạo nên bức tranh văn hóa Đắk Nông phong phú, giàu bản sắc.

Cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Mơ Nông, Mạ, Ê Đê chủ yếu là tự cung, tự cấp cho nên các nghề thủ công truyền thống mang tính chất phục vụ gia đình. Người dân có nhiều nghề thủ công truyền thống như rèn sắt, dệt vải, đan lát, đây là những nghề phổ biến phục vụ hoạt động sản xuất và sinh hoạt.

Nhà ở của người Mơ Nông, Mạ có cả nhà sàn và nhà trệt. Người Ê Đê thường sống trong những ngôi nhà sàn dài, với kiến trúc mô phỏng hình thuyền, được làm bằng tre gỗ, lợp tranh. Những ngôi nhà của người Mơ Nông hiện nay không còn dùng mái tranh, một số ngôi nhà được hỗ trợ theo Chương trình 134 cho nên xây cất bằng gạch kiên cố.

Người Mơ Nông, Mạ, Ê Đê thường sống trên vùng đất thấp, ven sông, suối. Họ tập trung thành từng bon. Mỗi bon có từ 20 đến 40 nóc nhà. Hiện nay, đứng đầu bon, buôn là trưởng bon, buôn do chính quyền đề cử, sau đó người dân bầu lên và hoạt động theo nhiệm kỳ. Các bon thường có mối quan hệ gắn bó để cùng nhau bảo vệ bon và phát triển sản xuất.

Theo truyền thống, gia đình người Mơ Nông, Mạ, Ê Đê theo chế độ mẫu hệ. Trong gia đình, người vợ làm chủ, nhưng người chồng không bị phân biệt đối xử, họ sống tôn trọng nhau. Cha mẹ về già thường ở với con gái út. Thông thường, mỗi ngôi nhà trệt của người Mơ Nông, Mạ và nhà dài của người Ê Đê là nơi cư trú của nhiều hộ gia đình có quan hệ huyết thống về phía mẹ. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố mẫu hệ giảm dần do có sự tiếp xúc các tộc người chung quanh, cùng với đó là sự chuyển biến của xã hội. Việc cư trú cũng khác xưa, gia đình hạt nhân gồm bố mẹ và con cái dần trở nên phổ biến, chính vì thế mà người đàn ông ngày càng trở nên có vị thế hơn trong gia đình. Điều này đã tác động đến hoạt động kinh tế và quan niệm xã hội cũng như thiết chế văn hóa của người Mơ Nông, Mạ, Ê Đê hiện nay.

Trong ẩm thực, người Mơ Nông, Mạ, Ê Đê thường dùng cơm tẻ nấu trong nồi đất nung hay nồi đồng. Cơm nếp thường dùng trong dịp lễ, Tết và tiếp đãi khách. Thức ăn có muối ớt, măng, rau, củ do hái lượm, cá, thịt, chim thú do săn bắn. Thịt nướng, cơm lam được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội. Thức uống có rượu cần không những sử dụng hằng ngày mà còn được dùng vào những dịp lễ, Tết. Người Ê Đê còn có tục ăn trầu cau.

Về trang phục, phụ nữ Mơ Nông, Mạ, Ê Đê quấn váy dài đến gót chân, mùa hè ở trần hoặc mặc áo ngắn chui đầu. Nam giới đóng khố, mặc áo cánh dài. Mùa lạnh, nam, nữ thường choàng thêm một tấm mền. Váy của người Mơ Nông, Mạ, Ê Đê là váy quấn, có dệt hoa văn ở cạp và gấu váy. Áo chui đầu cổ truyền của nữ có thêu hoa văn ở vai, nách, cổ tay, gấu áo. Trong khi đó, khố của người đàn ông Ê Đê có hoa văn ở hai mép vải và hai đầu khố.

Giống như áo của nữ giới, áo của nam giới cũng có hoa văn dệt dọc hai bên nách, ở gấu, ở vai và cổ tay. Riêng đối với áo của những người quyền quý thường có dải hoa văn hình “đại bàng giang cánh” dọc hai bên nách và gấu áo, thân sau có đính hạt cườm. Hiện nay, nam giới Ê Đê không còn mặc khố trong ngày thường; họ mặc giống người Kinh, chỉ mặc khố hoặc trang phục truyền thống trong những dịp lễ hội đặc biệt.

Bài và ảnh: Chấn Hưng, Khôi Nguyên

Báo Nhân dân – nhandan.vn – Đăng ngày 11/12/2024

Scroll to Top