Cùng vui hội làng Aró, Tây Giang (Quảng Nam)
Khi gươl vừa hoàn thành, để mừng công, đồng bào Cơ Tu ở thôn Aró (xã Lăng, Tây Giang, Quảng Nam) tổ chức ngày hội truyền thống, tái hiện nghi thức “ăn trâu” hàm ý báo cáo với thần linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhà nhà no đủ…
Đồng bào Cơ Tu thôn Aró vui múa trống chiêng mừng gươl mới. Ảnh: Alăng Ngước
Sau 3 hồi trống được đánh vang, bên không gian gươl làng Aró, hàng trăm người dân và du khách chứng kiến nghi thức “ăn trâu” truyền thống mừng gươl mới của đồng bào Cơ Tu địa phương.
Chương trình do Phòng VH-TT huyện Tây Giang tổ chức nhằm khai thác, xây dựng nghi thức mừng gươl mới thành sản phẩm du lịch theo Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030.
Hội làng truyền thống
Bận rộn với các hoạt động của ngày hội, bà Hôih Thị Giêếc – Trưởng thôn Aró như “tổng đạo diễn” xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi. Kể từ sau đợt khánh thành gươl mới cách đây ít năm, nghi thức “ăn trâu” lần này được xem như không gian hội làng truyền thống, quy tụ đông đảo người dân địa phương cùng tham gia, trải nghiệm. Bên không gian gươl mới, cộng đồng Cơ Tu vui múa trống chiêng, mừng công trình trọng đại, mang ý nghĩa nhân văn của vùng cao Tây Giang.
“Gươl mới được hình thành, ngoài thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền với giá trị văn hóa truyền thống Cơ Tu, còn là tinh thần đoàn kết rất cao của cộng đồng thôn Aró.
Tiếp thu các ý kiến của già làng, kiến trúc gươl sau khi được tu sửa vẫn giữ được nét truyền thống, đặc biệt là các giá trị văn hóa của cộng đồng. Gươl là tài sản chung nên dù công việc cuối năm bận rộn, người dân vẫn sắp xếp tham gia, xem đó là trách nhiệm chung với cộng đồng làng” – bà Hôih Thị Giêếc chia sẻ.
Trước ngày diễn ra lễ hội, phụ nữ Cơ Tu chuẩn bị ẩm thực, phục vụ lễ hội. Ảnh: Alăng Ngước
Thôn Aró có 170 hộ/588 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu sinh sống. Nhiều năm qua, bằng tinh thần cố kết cộng đồng, người dân Aró ra sức làm ăn, xây dựng cuộc sống mới, nhất là trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.
Ông Hôih Plóc – người dân ở thôn Aró cho hay, đối với đồng bào Cơ Tu, lễ hội mừng gươl mới mang ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện tinh thần kết đoàn, báo cáo thần linh về công trình trọng đại vừa hoàn thành.
Để chuẩn bị chu đáo cho ngày hội, từ nhiều ngày trước, người dân trong làng tổ chức họp bàn, vận động kinh phí đóng góp từ cộng đồng.
“Ai có gì thì góp nấy. Không có vật chất thì đóng góp tinh thần, cùng dân làng dựng cây nêu, làm lều trại, chuẩn bị thực phẩm… Các vật dụng phục vụ lễ hội như trống chiêng, các món ăn phục vụ du khách được bà con chuẩn bị chu đáo với sự chung tay của cộng đồng làng. Khi mọi thứ đã đâu vào đấy, tất cả người dân trong làng tập trung trước gươl mới, cùng nhau hát múa, đánh trống chiêng và tham gia các trò chơi dân gian ý nghĩa” – ông Hôih Plóc tâm sự.
Góp sức bảo tồn
Già làng Hôih Dzúc cho hay, gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả cộng đồng, vì thế, bất kỳ công việc gì liên quan đến cộng đồng đều được bàn ở gươl. Xuất phát từ quan điểm đó, người Cơ Tu cho rằng, gươl to hay nhỏ sẽ phản ánh sức mạnh đoàn kết, tinh thần cộng đồng của thôn đó.
Thực hiện nghi thức tế thần linh. Ảnh: Alăng Ngước
“Gươl là chốn linh thiêng, nơi thần linh, ông bà, tổ tiên về cư ngụ. Do vậy, trước khi diễn ra lễ hội mừng gươl mới, các già làng tiến hành báo cáo với tổ tiên, ông bà và cầu mong thần linh phù hộ cho cuộc sống người dân ngày càng phát triển, mùa màng tốt tươi, con cháu học hành đến nơi đến chốn. Sau khi kết thúc các nghi thức cúng thần linh, dân làng đánh vang trống chiêng, cùng nhau múa tâng tung da dá thể hiện niềm vui cộng đồng” – già Hôih Dzúc nói.
Theo ông Alăng Men – Phó Chủ tịch UBND xã Lăng, trong văn hóa Cơ Tu, lễ hội mừng gươl mới được xem đặc biệt quan trọng, đánh giá tinh thần đoàn kết của cộng đồng làng trong việc phục dựng, bảo tồn kiến trúc gươl truyền thống.
Thông qua lễ hội nhằm khích lệ, động viên tinh thần những thành viên của làng đã có nhiều đóng góp trong việc phục dựng gươl, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng. Đây cũng là dịp để thắt chặt tinh thần đoàn kết của cộng đồng làng, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau cùng tiến bộ…
Đồng bào Cơ Tu thôn Aró tham gia các trò chơi dân gian trong ngày hội. Ảnh: Alăng Ngước
Ông Bríu Hùng – Trưởng phòng VH-TT huyện Tây Giang cho biết, địa phương luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu, đặc biệt là văn hóa gươl làng.
Nhờ vậy, đến nay tại 63 thôn của 10 xã trên toàn huyện đều có gươl truyền thống, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, hội họp chung của cộng đồng. Năm 2024, Tây Giang tổ chức rà soát và sửa chữa, xây mới 16 công trình gươl Cơ Tu với kinh phí hơn 1,8 tỷ đồng.
“Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị gươl hiện có trên địa bàn huyện, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân nắm được chủ trương, đương lối của Đảng liên quan đến công tác bảo tồn văn hóa, trong đó có kiến trúc gươl.
Điều đáng mừng, hiện nay nhận thức của người dân trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống khá tốt, tạo cơ sở giúp địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn gắn với phát triển du lịch cộng đồng được hiệu quả trong thời gian tới” – ông Hùng chia sẻ.
Alăng Ngước
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn