Cao Bằng: Du lịch trải nghiệm thu hút khách du lịch
Huyện Quảng Hòa không những nổi tiếng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống như: làng hương Phja Thắp, làng giấy bản Dìa Trên, làng nhuộm vải xóm Khào, làng rèn Pác Rằng, làng ngói Lũng Rì… được lưu truyền hàng nghìn năm mà còn là một địa điểm thích hợp giúp du khách có những trải nghiệm thú vị khi đến thăm Cao Bằng.
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình du lịch trải nghiệm các làng nghề tại huyện Quảng Hòa là làng hương Phja Thắp, xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen. Mùi thơm thoang thoảng từ những bó hương phơi hai bên đường khiến ai đi qua cũng ghé vào thăm ngôi làng làm hương truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm.
Các loại hương được sản xuất từ những loại thảo mộc tự nhiên như cây mai để làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt, một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Tất cả đều được lựa chọn kỹ càng và thực hiện tất cả các công đoạn bằng tay. Ở dưới sàn nhà của bà con, nhà nào cũng có một ô nhỏ để nhúng hương vào nước keo rồi lăn tẩm với hỗn hợp mùn cưa và bột trầm, những người phụ nữ tay thoăn thoắt không ngừng đập cho các que hương được kết dính đều và tròn trịa. Phía trên sàn là những bó hương được nhuộm đỏ chân, bó gọn gàng chuẩn bị mang ra chợ bán. Để hòa mình vào nơi đây, du khách sẽ được bà con cho mặc trang phục của dân tộc Nùng An, tìm hiểu và trải nghiệm về các công đoạn làm hương. Tự làm ra bó hương sẽ mang lại trải nghiệm độc đáo và sinh động cho du khách.
Điểm tiếp theo trong hành trình là xóm Khào, xã Phúc Sen, tới đây du khách sẽ hiểu và trực tiếp nhuộm chàm, dệt vải cùng bà con và tìm hiểu cách để tạo ra một bộ trang phục truyền thống của người Nùng An. Khác với nhiều nơi chỉ mặc đồ truyền thống trong những dịp quan trọng, thì bà con người Nùng An ở đây vẫn mặc trang phục truyền thống trong các hoạt động thường ngày. Để có được màu vải chàm ưng ý phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều bước phức tạp đòi hỏi sự khéo léo và tinh tế của người phụ nữ. Muốn tấm vải có màu xanh tím than đậm như ý phải trải qua 60 – 80 lần nhuộm lại. Tấm vải đẹp còn thể hiện sự khéo léo, chịu thương, chịu khó và đó cũng là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất của người phụ nữ. Được trải nghiệm công đoạn nhuộm chàm, du khách thấy trân trọng hơn công sức của người làm ra các sản phẩm thủ công.
Đến làng hương Phja Thắp, xóm Đoàn Kết, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), khách du lịch sẽ được mặc trang phục dân tộc và trải nghiệm các công đoạn làm hương.
Làng rèn Pác Rằng, xã Phúc Sen – nơi được mệnh danh là “xưởng rèn thủ công” lớn nhất Bắc Bộ, là địa điểm tiếp theo hấp dẫn du khách tới khám phá, trải nghiệm. Tới đây, du khách sẽ được tự tay làm những con dao, búa, cuốc, xẻng… Tiếng dao, tiếng búa hòa vào nhau rền vang khắp làng, nhà nhà đỏ lửa. Qua bao thăng trầm nhưng làng rèn Phúc Sen vẫn là một làng nghề truyền thống mang lại những sản phẩm chất lượng. Người dân nơi đây vẫn gìn giữ nghề làm rèn một cách đầy tự hào, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Điểm cuối cùng trong hành trình là xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen, bản làng sầm uất, sung túc nhờ giữ được nghề làm giấy bản của ông cha. Đối với bà con vùng cao, giấy bản được dùng chủ yếu cho đời sống tâm linh. Giấy bản ở đây làm ra từ vỏ của cây mạy Sla (cây dưỡng), thường mọc tự nhiên trên núi cao. Sau đó trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau mới có thể tạo ra một tờ giấy bản hoàn chỉnh. Đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên thơ mộng của bản làng, nghe bà con hướng dẫn về cách làm giấy và được tự tay tham gia vào các công đoạn như đập vỏ cây, tạo khuôn và phơi giấy.
Ngoài những chuyến du lịch vội vã với nhiều điểm đến trong một chuyến đi, hiện nay giới trẻ ngày càng yêu thích những chuyến đi “chậm” tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, qua hình thức du lịch trải nghiệm du khách sẽ được tham gia trực tiếp vào quy trình tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống. Qua đó, giúp bà con có thêm thu nhập, góp phần quảng bá và đưa các sản phẩm truyền thống đi xa hơn.
Mai Chi