Cà Mau hoàn thành chiếc ghe Ngo tại Di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân

Sau hơn 3 tháng thi công, chiếc ghe Ngo được đóng mới tại chùa Cao Dân vừa được hoàn thành và thực hiện nghi thức hạ thủy, mang lại niềm vui cho đông đảo đồng bào Khmer ở Cà Mau trước thềm diễn ra Lễ hội Ok Om Bók.

Nghi thức hạ thủy ghe Ngo tại di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Nghi thức hạ thủy ghe Ngo tại di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Sáng 8/11, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng, cho biết, chiếc ghe Ngo đóng mới vừa được làm lễ hạ thủy tại chùa Cao Dân – di tích lịch sử quốc gia tại xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Chiếc ghe Ngo vừa hạ thủy được nhà nước đầu tư đóng mới với kinh phí 350 triệu đồng, hoàn thành sau hơn 3 tháng thi công. Ghe Ngo có chiều dài 31m, chiều ngang 1,4m, tương đương với 60 người kỹ thuật bơi, 1 người kỹ thuật thổi kèn dẫn nhịp và 1 chỉ huy ngồi mũi.

Rất đông đồng bào Khmer ở các phum, sóc xã Tân Lộc và vùng lân cận của huyện Thới Bình đến xem và chứng kiến lễ hạ thủy. Đây cũng là nghi thức trang trọng, phải chọn giờ lành, giờ tốt để hạ thủy.

Theo ông Lâm Thu, Đội trưởng Đội ghe Ngo chùa Cao Dân, trước khi hạ thủy, Đội nhạc Trống lớn của chùa phải tiến hành thỉnh nhạc và dạo nhạc cúng ghe Ngo. Các lễ vật cúng gồm: Đầu heo; cặp gà, vịt; Sla-thor đôn (làm bằng quả dừa) hoặc Sla-thor chếk (thân cây chuối) cắm nhang đèn, bông trang…

Trước khi buổi lễ được tiến hành, các tay bơi tập trung vào chánh điện nghe các nhà sư, các achar tụng kinh chúc phúc và khấn nguyện, vẩy nước lành để tăng thêm sức mạnh và tinh thần đoàn kết.

Tại các phum, sóc đồng bào Khmer ở Cà Mau, chiếc ghe Ngo là sản phẩm văn hoá độc đáo, được xem là biểu tượng của sự no ấm, sung túc trong vùng. Do vậy, việc sửa chữa, đóng mới và hạ thủy ghe Ngo được thực hiện vô cùng bài bản.

Ghe Ngo được đầu tư đóng mới lần này tại di tích lịch sử quốc gia chùa Cao Dân cũng là để phục vụ cho thi đấu tại Lễ hội Ok Om Bók (lễ cúng trăng) khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 6 năm 2024, dự kiến diễn ra từ ngày 9 đến 15/11, tại thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).

Cao Dân là một trong nhiều ngôi chùa Nam tông Khmer bề thế trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Ngôi chùa này có bề dày truyền thống cách mạng, nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động trong hai cuộc kháng chiến.

Rất nhiều vị sư ở chùa Cao Dân trưởng thành trong cách mạng, không ít trong số đó trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, tiêu biểu là cố Đại đức Hữu Nhem (1929-1966), là Nhà sư, chiến sĩ cách mạng – người từng trụ trì chùa Cao Dân (viên tịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ), từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam Bộ.

Phát huy truyền thống tốt đẹp trong quá khứ, thời gian qua, Ban Quản trị chùa cùng chư tăng, phật tử trong vùng luôn đoàn kết, chung tay cùng chính quyền địa phương ra sức bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích để chùa không chỉ là biểu tượng cho khối đại đoàn kết dân tộc mà còn là điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa cộng đồng, thông qua đó, củng cố niềm tin vững chắc trong lòng bà con đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng, Nhà nước…

Hữu Tùng

Scroll to Top