Bình Phước quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS

Thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được tỉnh Bình Phước quan tâm, phát huy. Đặc biệt, nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng vào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: từ 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang tạo điều kiện để Bình Phước cụ thể hóa điều này.

Quang cảnh buổi phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Xtiêng (Ảnh TTXVN).

Giá trị văn hóa các DTTS được phát huy

Để phát huy tốt hơn nữa giá trị văn hóa các DTTS, thời gian gần đây, ngành chức năng huyện Bù Đăng đã phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn nghiên cứu đề tài “Âm nhạc của người Xtiêng Bình Phước – khảo cứu, bảo tồn và phát triển”. Đây là đề tài cấp tỉnh được nghiệm thu, bàn giao và đã góp phần bảo tồn và phát triển âm nhạc của đồng bào Xtiêng trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, huyện Bù Đăng phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bình Phước nghiên cứu, kiểm kê, lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa – Thể thao và du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đối với: Tri thức dân gian, kỹ thuật nghề thủ công truyền thống; nghề làm rượu cần, kỹ thuật đan gùi và nghề dệt thổ cẩm của người Xtiêng; nghề dệt thổ cẩm của người Mnông; phối hợp với ngành văn hóa tổ chức phục dựng Lễ hội truyền thống mừng lúa mới của đồng bào Xtiêng; Lễ kết bạn cộng đồng của đồng bào Mnông… Đồng thời, phối hợp Bảo tàng tỉnh Bình Phước hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận nghề “giã gạo chày tay” của người Mnông và Xtiêng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Điều đáng mừng là ở Bù Đăng hôm nay, không ít người trẻ là đồng bào DTTS đã tiếp bước thế hệ trước để lưu truyền lại các nghề truyền thống của dân tộc mình. Những việc làm thầm lặng của nhiều cá nhân, tập thể đã giúp các địa phương phát huy nghề truyền thống.

Một trong những cá nhân có nhiều đóng góp với công tác bảo tồn văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện Bù Đăng là bà Điểu Thị Xia, dân tộc Xtiêng, hiện là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Minh. Bà Xia là người đã xây dựng thành công thương hiệu với sản phẩm rượu cần truyền thống ở Sóc Bom Bo và nhiều sản phẩm thổ cẩm đa dạng, phong phú, họa tiết đặc sắc…

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Thị Diệu Hiền cho biết, Theo Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Bù Đăng đã đưa nội dung phát triển văn hóa là nòng cốt. Từ đó tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển văn hóa, gìn giữ và bảo tồn văn hóa các DTTS.

Những ngôi nhà sàn của người Mnông quanh trảng cỏ Bù Lạch, huyện Bù Đăng.

Gắn kết chặt chẽ việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống với dịch vụ du lịch

Còn ở xã Thiện Hưng, huyện biên giới Bù Đốp, từ nhiều năm qua đồng bào Xtiêng đã chú trọng việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Theo chia sẻ của ông Điểu Cần, Trưởng thôn Thiên Cư, với 76,5% dân số là đồng bào dân tộc Xtiêng, nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu phát triển bền vững, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã đã chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn.

Từ chủ trương đó, chính quyền thôn đã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS chủ động, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

“Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cấp chính quyền, già làng, Người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Xtiêng. Chú trọng khôi phục và duy trì các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới; tạo điều kiện cho người cao tuổi, các nghệ nhân tham gia các buổi tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm kiến thức về các lễ hội, làn điệu dân ca, múa hát cồng chiêng… cho thế hệ trẻ học hỏi và noi theo”, ông Điểu Cần cho biết.

Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước cho rằng, để xây dựng và phát triển văn hóa Bình Phước đa dạng, bản sắc và hội nhập cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương.

Các hoạt động tuyên truyền thông qua các liên hoan, hội thi, hội diễn, hoạt động sự kiện, giao lưu văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ… cần được đẩy mạnh. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút học sinh, sinh viên là con em các DTTS học chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật về công tác tại địa phương.

Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa truyền thống, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một, thất truyền. Cần gắn kết chặt chẽ việc khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn với dịch vụ du lịch theo định hướng phát triển du lịch văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, sinh thái, cộng đồng dựa trên các thế mạnh về các danh lam thắng cảnh, tài nguyên sinh thái rừng, văn hóa đồng bào các DTTS.

Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị và ngành Văn hóa tỉnh Bình Phước đã tổ chức phục dựng nhiều lễ hội truyền thống. Bước đầu, các địa phương đã khôi phục và phát huy được nghề dệt thổ cẩm, đan lát, kỹ thuật chế biến rượu cần truyền thống; tổ chức truyền dạy cồng chiêng, biểu diễn nghệ thuật dân gian… Các địa phương còn đặc biệt chú trọng việc tôn tạo, trùng tu các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh, bước đầu triển khai hiệu quả mô hình du lịch văn hóa như: Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Xtiêng Sóc Bom Bo, Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy miền Nam Việt Nam…

Minh Thu

Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn – Đăng ngày 28/11/2024

Scroll to Top