Bánh ngũ sắc – đặc sản độc đáo của đồng bào Cao Lan, Đoan Hùng (Phú Thọ)

Bánh ngũ sắc là một đặc sản nổi tiếng của đồng bào dân tộc Cao Lan, làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Món ăn mộc mạc này được làm từ gạo nếp nương, các loại lá cây rừng có màu sắc đẹp mắt, vị dẻo thơm mà không phải nơi nào cũng có.


Bánh ngũ sắc làng Ngọc Tân, huyện Đoan Hùng – đặc sản của đồng bào dân tộc Cao Lan

Theo những người trong làng kể lại, từ xa xưa người dân làng Ngọc Tân đã coi trọng truyền thống, lễ nghĩa. Vào những ngày lễ lớn của làng như: Lễ đình, rằm tháng Giêng, hội tháng 2, Tết 3/3; 5/5 (âm lịch), lễ cơm mới, dân làng lại làm xôi, bánh ngũ sắc và các món ăn truyền thống để dâng cúng tổ tiên. Truyền thống này được duy trì cho đến ngày nay.

Bánh ngũ sắc làng Ngọc Tân mang nét độc đáo riêng biệt với 5 màu sắc trắng, xanh, đen, đỏ, vàng tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Trong đó, màu xanh từ lá dứa, màu tím từ cây hoa đậu biếc, màu đen từ cây lá thau, màu đỏ được lấy từ quả gấc chín hoặc cây lá đỏ và màu vàng từ nghệ… Đây đều là những cây cỏ thiên nhiên gắn bó bao đời nay với đồng bào dân tộc Cao Lan, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Khi đặt cạnh nhau, các màu sắc kết hợp hài hòa tạo nên sự hấp dẫn cho món ăn.


Màu sắc của bánh được làm từ cây, lá tự nhiên là những vị thuốc có lợi cho sức khỏe

Bánh ngũ sắc làng Ngọc Tân được làm từ nguyên liệu chính gồm bột gạo nếp nương, lạc, vừng, dừa, đường trắng, gừng, mạch nha. Không giống với các loại bánh khác, bánh ngũ sắc làng Ngọc Tân cầu kỳ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chế biến. Muốn bánh ngon, đồng bào dân tộc Cao Lan phải chọn loại giống nếp trồng trên nương có màu trắng ngà, vị dẻo thơm. Gạo sau khi chọn kỹ được nổ thành bỏng trắng rồi được nghiền thành bột mịn.


Khâu chế biến bánh tỷ mỷ, hoàn toàn thủ công

Tiếp đến là đun mật và chế biến gia vị, có thể dùng đường kính hoặc mật cây mía kết hợp với mạch nha nấu thành mật. Để được nồi mật đủ độ (không non mà cũng không già lửa quá) thì người chế biến phải có kinh nghiệm, căn chỉnh thời gian để bánh có vị thơm, không bị đắng khét, khi kéo ra mảnh và sáng ánh. Sau đó cho bột nếp, lạc rang, gừng tươi… cùng một số hương liệu khác khuấy đều.

Sau khi bột chín, đổ ra bàn để nhào, rắc bột nếp đã rang vàng lên bàn làm lớp áo cho bánh, sau đó cán hỗn hợp này nhiều lần đến khi bánh dẻo, có độ dai là được.


Bánh ngũ sắc từ món ăn truyền thống đã được nâng tầm thành đặc sản truyền thống tại địa phương

Thưởng thức món bánh ngũ sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan, thực khách sẽ cảm nhận được vị dẻo thơm của gạo nếp nương, cay dịu của gừng, bùi béo của lạc và vị ngọt của đường mía. Mỗi đĩa bánh ngũ sắc cùng với ấm trà nóng thơm nồng mời khách gói trọn tấm lòng mến khách chân thành của đồng bào nơi đây.

Được biết, để lan tỏa và giới thiệu loại bánh đặc sắc này với đông đảo người dân và du khách thập phương, huyện Đoan Hùng đã có nhiều chính sách về tư vấn người dân giữ gìn nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá và giới thiệu sản phẩm. Thành lập Hợp tác xã Đặc sản Phủ Đoan, giới thiệu các đặc sản truyền thống của đất bưởi Đoan Hùng trong đó có bánh ngũ sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan.

Mong rằng trong thời gian tới, với vị dẻo thơm đặc trưng… bánh ngũ sắc nói riêng và những nét đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây nói chung sẽ được lan tỏa, biết đến nhiều hơn trong dòng chảy của xã hội hiện đại.

Vĩnh Hà

Báo Phú Thọ – baophutho.vn

Scroll to Top