An Giang hướng đến ngày hội lớn của đồng bào dân tộc Chăm
Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Chăm tỉnh An Giang, dự kiến từ ngày 17 – 19/4, tại Nhà thi đấu đa năng huyện Châu Thành sẽ diễn ra Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, lần thứ X/2024.
Nền văn hóa Chăm rất đặc sắc, nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á. Nền văn hóa này tồn tại có hệ thống, khá toàn vẹn những tầng văn hóa nổi và còn tiền ẩn trong lòng đất, tạo nên nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Dù trải qua bao đổi thay, biến cố, nhưng đồng bào Chăm vẫn giữ được giá trị văn hóa truyền thống.
Trong di sản văn hóa Việt Nam, dấu ấn văn hóa Chăm thể hiện rõ nét trong kiến trúc, điêu khắc (các đền tháp, phù điêu, tượng thờ), phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, tiếng nói, chữ viết, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, vải thêu, hoa văn, gốm…
Hiện nay, đồng bào DTTS Chăm sinh sống tại các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, trong đó tập trung nhiều ở các tỉnh: An Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận… Đồng bào DTTS Chăm An Giang tập trung nhiều ở TX. Tân Châu, các huyện: An Phú, Châu Phú và Châu Thành; vẫn còn giữ những nét truyền thống lâu đời và độc đáo trong đời sống văn hóa hàng ngày.
Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS Chăm, quảng bá hoạt động VHTTDL của cộng đồng người Chăm ở An Giang, từ ngày 17 – 19/4, tại Nhà thi đấu đa năng huyện Châu Thành diễn ra Ngày hội VHTTDL đồng bào dân tộc Chăm tỉnh An Giang, lần thứ X/2024. Tham gia ngày hội có các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên đồng bào DTTS Chăm trên địa bàn tỉnh. Tại ngày hội, sẽ diễn ra Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống; các hoạt động quảng bá du lịch, thể dục – thể thao…
Đối với Liên hoan Nghệ thuật quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống, mỗi đội nghệ thuật quần chúng DTTS Chăm sẽ xây dựng một chương trình ca múa nhạc dân tộc, gồm những tiết mục nghệ thuật truyền thống và biểu diễn trang phục truyền thống (trang phục cưới, lễ hội, trang phục sinh hoạt hàng ngày, trong lao động, sản xuất) bộc lộ nét đẹp truyền thống trong trang phục đặc thù của DTTS Chăm.
Trong thời gian diễn ra ngày hội còn có các hoạt động quảng bá du lịch, như: Liên hoan văn hóa ẩm thực truyền thống nhằm giới thiệu nét đặc sắc của ẩm thực DTTS Chăm. Theo đó, mỗi xóm Chăm tham gia giao lưu ẩm thực truyền thống phải chuẩn bị 4 mâm/xóm, mỗi mâm 4 người ăn, gồm thức ăn mặn – ngọt của đồng bào DTTS Chăm.
Tại ngày hội còn tổ chức triển lãm ảnh và trưng bày hiện vật, với chủ đề “Di sản văn hóa dân tộc Chăm tỉnh An Giang”. Cùng với đó là các hoạt động thể dục – thể thao, gồm 5 môn: Bóng đá 5 người (nam), bóng chuyền (nam), việt dã (nam, nữ), đẩy gậy (nam, nữ), kéo co (nam, nữ).
Để ngày hội thành công tốt đẹp, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trương Bá Trạng vừa khảo sát địa điểm tổ chức, công tác chuẩn bị cho ngày hội. Qua kiểm tra và khảo sát thực tế, ông Trương Bá Trạng thống nhất các địa điểm tổ chức lễ khai mạc, trưng bày sản phẩm, tổ chức các môn thể thao, diễn ra tại Ngày hội VH,TT&DL đồng bào Chăm tỉnh An Giang, lần thứ X/2024.
Đồng thời đề nghị, UBND huyện Châu Thành phối hợp đơn vị chuyên môn của Sở VHTTDL thực hiện tốt các khâu trang trí, khánh tiết; tăng cường tuyên truyền, cổ động trực quan; đảm đảo điều kiện cơ sở vật chất, điện, nước, an ninh trật tự trong thời gian diễn ra ngày hội.
“Các hoạt động trong ngày hội phải thể hiện tính sáng tạo, phong phú, độc đáo của nghệ nhân, diễn viên, vận động viên. Thông qua các hoạt động, phải giới thiệu và phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống DTTS Chăm đến với mọi người, các dân tộc cùng sinh sống trong vùng; giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nét văn hóa độc đáo, truyền thống tốt đẹp của DTTS Chăm ở An Giang.
Ban Tổ chức ngày hội phải tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, các chức sắc tôn giáo gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Công tác tổ chức ngày hội phải đảm bảo tính khoa học, an toàn, tiết kiệm. Công tác giám sát, thẩm định nghệ thuật, trọng tài, phải bảo đảm chính xác, khách quan, xử lý khéo léo các tình huống…” – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Trương Bá Trạng yêu cầu.
Thông qua Ngày hội VHTTDL đồng bào Chăm tỉnh An Giang, lần thứ X/2024 nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần, phát triển kinh tế – xã hội đồng bào DTTS Chăm, cùng với cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
Đồng thời, thể hiện sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền An Giang trong công tác chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc nói chung, trong đó có đồng bào Chăm. Ngày hội còn nhằm phát hiện những tài năng trong lĩnh vực VHTTDL đồng bào Chăm, nhằm bồi dưỡng, đào tạo, góp phần làm đa dạng, phong phú lĩnh vực VHTTDL của tỉnh.
Minh Thư
Báo An Giang – baoangiang.com.vn