“Bắc cầu” cho văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Bình
Bên trong những bản làng nép mình dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào Bru-Vân Kiều sống quần tụ, đoàn kết bên nhau. Cũng trong những mái nhà sàn yên bình ấy là cả một kho tàng văn hóa độc đáo, đồ sộ, chứa đựng đời sống tinh thần phong phú của đồng bào Bru-Vân Kiều qua nhiều thế hệ. Gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa quý giá ấy chính là “bắc cầu” để những di sản phát huy giá trị vững bền, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.
Đất của di sản
Quảng Bình hiện có 13 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia thì đồng bào Bru-Vân Kiều đã sở hữu 3 di sản, đó là: Lễ hội đập trống của người Ma Coong (xã Thượng Trạch, Bố Trạch), lễ hội trỉa lúa của người Bru-Vân Kiều (xã Trường Sơn, Quảng Ninh), lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy). Cùng với đó là rất nhiều làn điệu dân ca, phong tục, được đồng bào trân trọng, gìn giữ và vun đắp qua nhiều thế hệ.
Giá trị đặc sắc của văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều chính là một trong những nền tảng phát triển du lịch |
Điều đáng trân trọng là dù sinh sống tại những địa bàn còn khó khăn, quanh năm phải đối mặt với thiên tai, đói nghèo nhưng đồng bào Bru-Vân Kiều Quảng Bình vẫn hội tụ và lưu giữ khá nguyên vẹn các loại hình văn hóa phi vật thể, văn hóa vật thể, các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian gắn với các hoạt động lao động, sản xuất, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Mai Xuân Thành, ngoài các lễ hội truyền thống, người Bru-Vân Kiều có kho tàng văn nghệ dân gian rất phong phú. Cùng với đa dạng các loại nhạc cụ như trống, thanh la, kèn…, họ còn có rất nhiều làn điệu hát khác nhau. Nam nữ thanh niên, khi đến tuổi trưởng thành đều phải thuộc một số làn điệu nhất định để hát trong lúc đi sim-tìm bạn đời. Loại vừa hát, vừa kể gọi là chà chấp. Nam nữ hát đối đáp gọi là prơgiong. Ngôn ngữ bình thường của người Bru-Vân Kiều cũng rất giàu hình tượng. Nhiều câu nói trong giao thiệp hàng ngày giống như ca dao, tục ngữ.
Nói đến văn nghệ dân gian của Bru-Vân Kiều, phải kể tới kho truyện kể và những bản tình ca rất đặc sắc được truyền từ đời nọ qua đời kia. Họ có thể kể chuyện cho nhau nghe vào bất cứ lúc nào, trong lúc gieo trồng, hay khi nghỉ ngơi sau giờ lao động mệt nhọc, bên bếp lửa hồng giữa ngôi nhà sàn…
Bắt đầu từ việc bảo tồn
Tuy nhiên, ông Thành khẳng định, dù đã có nhiều nỗ lực, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sự ảnh hưởng từ xu hướng “sùng ngoại” và sự mai một trong việc trao truyền đang gây nguy cơ làm nhạt phai những nét đặc sắc văn hóa. Một bộ phận thanh niên chưa thật sự quan tâm đến di sản, do đó việc khơi dậy lòng tự hào văn hóa là điều cần thiết. Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành rất quan tâm. Các đường lối, chủ trương, chính sách được triển khai đồng bộ.
Lớp tập huấn, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc Bru-VânKiều |
Nhận thấy tầm quan trọng, những giá trị đặc sắc và sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều.
Đặc biệt, Dự án 6 trong chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030 nhấn mạnh việc bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Sở đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, truyền dạy các loại hình văn hóa phi vật thể như hát dân ca, nghệ thuật trình diễn dân gian cho đồng bào nơi đây, đặc biệt là thế hệ trẻ. Các chương trình này đã tạo điều kiện cho thanh thiếu niên trong các bản làng học hỏi và phát huy những giá trị di sản quý giá mà cha ông đã để lại. Lớp tập huấn về truyền dạy văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy vừa được tổ chức đã thu hút sự tham gia của 80 học viên là bà con Bru-Vân Kiều ở nhiều độ tuổi, trong đó có rất nhiều bạn trẻ.
Em Hồ Thị Bông ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) tỏ ra hào hứng: “Em thấy hứng thú với những bài giảng mà thầy cô giáo và các già làng trực tiếp truyền dạy, nhất là những bài dân ca cổ, cách thức trình diễn các nghi thức của lễ hội truyền thống. Nhờ đó, em có thể hát cho đồng bào nghe và em muốn truyền lại những gì đã học cho các em nhỏ trong bản”.
Phát huy giá trị
Chìa khóa cho du lịch bền vững nằm ở sự hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, trong đó cộng đồng giữ vai trò trung tâm. Nắm bắt được điều đó, một số chương trình, sản phẩm du lịch trải nghiệm, tìm hiểu đời sống của đồng bào Bru-Vân Kiều đã bắt đầu được khai thác. Trong đó, sản phẩm “Tìm hiểu thiên nhiên và văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy” của Công ty TNHH Netin đã trở thành điểm nhấn độc đáo thu hút du khách. Sản phẩm cũng được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển vùng du lịch phía Tây Nam Quảng Bình, cải thiện đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào nơi đây.
Dân tộc Bru-Vân Kiều gồm 4 nhóm tộc người: Vân Kiều, Khùa, Ma Coong, Trì. Tại Quảng Bình, địa bàn cư trú của đồng bào tập trung ở các xã vùng cao huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy |
Giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào Bru-Vân Kiều không chỉ là một sứ mệnh văn hóa mà còn đem lại cơ hội phát triển kinh tế bền vững thông qua du lịch. Trong khi các hoạt động lễ hội ở nhiều nơi bị biến tướng, thương mại hóa, thậm chí một số lễ hội còn có hiện tượng mê tín dị đoan, lợi dụng lễ hội để trục lợi thì nhiều lễ hội của đồng bào Bru-Vân Kiều vẫn giữ nét đẹp thuần khiết vốn có.
Với những giá trị vốn sẵn, cùng sự nỗ lực của các cấp ngành và đồng bào, trong tương lai không xa, những lễ hội này có thể sẽ là hoạt động văn hóa thu hút đông đảo du khách đến với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Việc biến di sản văn hóa này thành một phần trong các sản phẩm du lịch trải nghiệm cũng sẽ góp phần tạo thêm nguồn lực cho công tác bảo tồn.
Bảo tồn và phát huy văn hóa Bru-Vân Kiều chính là góp phần giữ gìn di sản và tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Sự chung tay của cả cộng đồng, từ người dân đến các cấp chính quyền chính là chìa khóa để giữ gìn và phát huy những giá trị vô giá này.
Diệu Hương
Báo Quảng Bình – baoquangbinh.vn