Trang phục truyền thống cô dâu Dao Đỏ ở Sơn Phú (Na Hang, Tuyên Quang)

Có dịp tham dự Ngày hội Văn hóa các dân tộc năm 2024, chúng tôi được chứng kiến trích đoạn ​​​​trình diễn lễ đón dâu về nhà chồng của người Dao Đỏ ở Sơn Phú (Na Hang, Tuyên Quang). Trong đoạn trích lễ rước dâu về nhà chồng, các thành viên trong đoàn rước dâu đều mặc trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Đặc biệt là trang phục của cô dâu đã thu hút mọi ánh nhìn bởi sắc đỏ rực rỡ trên bộ trang phục tạo nên điểm nhấn ấn tượng độc đáo trong buổi lễ.

Lễ đón dâu của người Dao Đỏ được tái hiện trong Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang 2024

Một bộ trang phục cô dâu gồm có: áo dài, áo con, dây lưng, quần, xà cạp, khăn đội đầu… đều được thêu thùa, trang trí rất cầu kỳ. Người phụ nữ sẽ tự thêu hoa văn lên trang phục, ở các phần: cổ áo, lưng áo, đuôi áo, cuối ống quần với các họa tiết hình vuông, chữ nhật, ngôi sao, chiếc lá, quả trám, hình con chim, thú được phối theo một quy luật. Tuy nhiên, mỗi người có thể tự chọn cách thêu theo lối cổ hay “biến tấu” khác nhau, miễn sao khi mặc nó thực sự nổi bật, mang đậm sắc thái của dân tộc mình. Do đó, mỗi bộ quần áo của dân tộc Dao sẽ thể hiện sự khéo léo của người tạo ra chúng.

Điểm nổi bật nhất trong trang phục của cô dâu là chiếc khăn trùm đầu màu đỏ, có kiểu dáng như mái nhà, biểu tượng cho sự che chở và bảo vệ, đồng thời đại diện cho mái ấm gia đình mà cô sẽ xây dựng cùng chồng. Chiếc khăn trùm đầu được làm từ chất liệu thổ cẩm dày dặn, và thêu hoa văn, hoạ tiết tỉ mỉ; các hoạt tiết thường là hình ảnh hoa lá, chim muông và các yếu tố thiên nhiên, biểu tượng cho sự hòa hợp, thịnh vượng, và mong ước có con cháu đầy đàn, sức khỏe dồi dào.

Cô dâu được các chị, các mẹ chuẩn bị trang phục kỹ lưỡng trong ngày cưới

Để hoàn thiện chiếc khăn trùm đầu, các bà, các mẹ phải dành hàng tháng, thậm chí hàng năm, để làm ra chiếc khăn trùm đầu cho cô dâu đội vào ngày cưới. Trong lễ cưới, cô dâu nổi bật với trang phục gồm chiếc khăn trùm kín đầu được đính tua rua, chỉ màu rực rỡ sắc đỏ và những họa tiết thêu thổ cẩm tinh xảo. Trên đường đến nhà trai, cô dâu che kín mặt, bởi theo quan niệm của người Dao Đỏ, nếu để mặt trời nhìn thấy mặt cô dâu thì sẽ mất vía và gặp nhiều xui rủi trong đời sống sau này.

Chị Bàn Phương Thảo, thôn Nà Lạ, xã Phúc Sơn chia sẻ: “Chiếc khăn trùm đầu này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa linh thiêng đối với chúng tôi. Khi cô dâu đội chiếc khăn, đó cũng là lúc cô nhận được sự chúc phúc từ tổ tiên”.

Cô dâu và chú rể người Dao Đỏ trong trang phục cưới truyền thống

Không chỉ có chiếc khăn, trang phục cưới của người Dao Đỏ còn được tô điểm bằng những món trang sức bạc như vòng cổ, vòng tay, và khuyên tai… Những món đồ trang sức này không chỉ làm tôn lên vẻ đẹp của cô dâu mà còn mang ý nghĩa cầu mong sự bình an và thịnh vượng.

Anh Bàn Văn Triều, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) nhớ lại năm 2017 anh lấy vợ: Trong ngày cưới, nhìn vợ mình trong bộ trang phục truyền thống với chiếc khăn trùm đầu màu đỏ, tôi thực sự xúc động. Cô ấy đẹp giản dị, duyên dáng và đầy cuốn hút.

Ngày nay, dù ảnh hưởng của sự đô thị hóa và sự giao thoa văn hóa diễn ra mạnh mẽ, nhưng người Dao Đỏ ở Sơn Phú vẫn giữ gìn và tôn vinh những phong tục truyền thống của họ. Trang phục cưới không chỉ là một phần của nghi lễ mà còn là biểu tượng của lòng biết ơn đối với tổ tiên, và là niềm tự hào về nguồn gốc dân tộc.

Bài, ảnh: Cảnh Trực

Báo Tuyên Quang Online – baotuyenquang.com.vn

Scroll to Top