Vài nét văn hóa tiêu biểu của dân tộc Chăm H’roi Phú Yên
Cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi là Sông Hinh, Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên). Trong đó, nổi bật là dân tộc Chăm H’roi luôn gìn giữ văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của dân tộc mình; từ tiếng nói, chữ viết, trang phục đến lễ hội…
Các chàng trai người Chăm H’roi (huyện Đồng Xuân) đánh cồng chiêng đêm giã bạn tại Ngày hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Yên ở huyện Sông Hinh. Ảnh Tuyệt Diệu
Dân tộc Chăm H’roi có nét văn hóa tương đồng với dân tộc Ba Na. Vì vậy, hai dân tộc này thường sống chung trong mỗi buôn làng. Mỗi buôn có khoảng vài chục đến chừng trăm hộ gia đình cộng cư giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn và đoàn kết với nhau. Điều này xuất phát từ ý thức cộng đồng, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Người Chăm H’roi vẫn giữ truyền thống gia đình dựa trên nền tảng vợ chồng hòa thuận, con cháu thảo hiền…
Ông Ma Dỏ ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa) cho biết: “Người Chăm H’roi sống theo chế độ hôn nhân một vợ một chồng, trai gái tự do yêu đương tìm hiểu thân thế gia cảnh của nhau. Song quyết định thành vợ thành chồng là do cha mẹ đôi bên cưới gả. Theo phong tục của người Chăm H’roi, nhà trai phải đi hỏi vợ và con trai ở rể nhà vợ. Khi con trai, con gái đã thông hiểu yêu thương nhau thì đưa nhau về báo tin với cha mẹ cô gái. Cha mẹ cô gái nhấc ché rượu mời người làm mai mối sang nhà trai chính thức báo tin của hai con. Nhận được tin báo của người mai mối từ nhà gái, nhà trai liền sang nhà gái hỏi cặn kẽ sự tình, bàn bạc chuyện cưới xin vun đắp hạnh phúc của hai con. Nếu nhà gái đồng ý thì việc tổ chức lễ hỏi, lễ cưới mới được đặt ra.
Để quyết định việc hôn nhân, họ gọi hai con đến trước cha mẹ hai bên và hỏi lần cuối, bởi đây là một việc lớn, liên quan đến hạnh phúc đời người: “cho lựa chứ không cho đổi”. Khi hai con trả lời thật sự yêu thương bền chặt keo sơn với nhau và muốn cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình thì cha mẹ mới quyết định chọn ngày lành tháng tốt, sắm sửa lễ vật mang sang nhà gái. Lễ vật gồm một chiếc vòng đeo tai, một tô gạo đầy, chín miếng trầu cau tươi, một khoanh nến sáp ong, cặp gà trống và hai ché rượu… Lễ vật bày ra, cha mẹ hai bên chứng kiến chuyện trò bàn bạc cách tổ chức ngày cưới. Khi hai bên gia đình định ngày sẵn, đoàn nhà gái sang nhà trai ở lại một đêm, sáng hôm sau tất cả kéo về nhà gái làm đám cưới.
Lễ cưới được tiến hành vào lúc nửa đêm, bắt đầu từ 23 giờ của ngày hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, trước sự chứng kiến của sáu vị: Chano (người mai mối), già làng, đại diện hai gia đình, họ hàng hai bên và thầy cúng. Sau khi dự lễ xong, mọi người đều lui ra ngoài ăn trầu, uống rượu, chuyện trò râm ran cho đến sáng; nhà gái cùng nhà trai về nhà trai để ra mắt tổ tiên ông bà. Hai gia đình thống nhất với nhau vài tháng hoặc vài năm sau mới tổ chức lễ cưới chính thức.
Theo sự phân tích của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng, dân tộc Chăm H’roi sống trên đất Phú Yên đã lâu đời. Theo phong tục người Chăm, con gái trước khi lấy chồng phải tự dệt cho mình một bộ áo váy truyền thống để chuẩn bị cho ngày cưới. Một chiếc áo dài tay qua đầu, một chiếc váy quấn ngang từ thắt lưng dài đến gót chân, dệt rất công phu. Màu sắc trên áo, váy chủ yếu có ba màu đen, trắng, vàng. Hoa văn trang trí rất phong phú đa dạng, phản ảnh được môi trường sống trong sinh hoạt hàng ngày của dân tộc Chăm. Đầu đội chiếc khăn màu đen được trang trí những hạt cườm màu trắng kết thành những ngôi sao năm cánh thả tua tủa, cô dâu trông rất duyên dáng.
Nhà ở của người Chăm H’roi là nhà sàn truyền thống, khoảng cách khung cột rất đều, kích thước vừa phải, mỗi cột cách nhau 6m chiều dài, 3m chiều rộng, chiều cao từ mặt đất đến sàn nhà 1m, được cấu trúc hai phần khung và mái rất gọn gàng thoáng mát. Nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng theo kiểu nhà rông. Ngôi nhà rông sinh hoạt cộng đồng là một công trình văn hóa, một tác phẩm nghệ thuật tạo hình đậm đà bản sắc. Biểu hiện độc đáo trên từng hoa văn chạm trổ, điêu khắc hình tượng người, chim, thú trên cầu thang vào nhà, đầu cột nhà, kèo nhà… Hoa văn do các nghệ nhân thực hiện rất điêu luyện phong phú, đa dạng.
Người Chăm H’roi thường phát huy truyền thống tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, khi buôn làng nhà nào có người thân chẳng may qua đời thì cả buôn cả làng tập trung lại cùng nhau lo hậu sự cho đến khi gia đình họ tổ chức lễ bỏ mã mới thôi. Mỗi gia đình đều có sự phân công lao động rõ ràng, cụ thể. Ví như, đàn ông cày bừa, phát dọn nương rẫy; đàn bà làm công việc bếp núc, giặt giũ, lo con cái, kéo sợi, dệt vải, chăn nuôi gia súc gia cầm…
Trần Cao Trí
Báo Phú Yên – baophuyen.vn