Phú Yên: Độc đáo lễ cúng đám cưới của người Ê Đê ở Suối Trai

Tái hiện lễ cúng đám cưới của người đồng bào dân tộc Ê Đê ở xã Suối Trai. Ảnh: Ngô Xuân

Theo phong tục của người Ê Đê, nam nữ khi đủ độ tuổi lập gia đình, được cha mẹ hai bên đồng ý sẽ tổ chức lễ cúng đám cưới. Tập tục này vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn, trở thành một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Ê Đê tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa.

Lễ cưới với 4 nghi lễ

Người đồng bào dân tộc Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái có quyền đi tìm chồng. Cô gái Ê Đê để ý chàng trai nào thì có thể thưa chuyện với cha mẹ để nhờ mai mối đến nhà trai đánh tiếng dạm hỏi. Lễ cưới của người Ê Đê bao gồm 4 nghi lễ: lễ hỏi chồng, lễ thách cưới, lễ cưới (lễ gọi chồng) và lễ rước rể.

Đầu tiên, khi chàng trai, cô gái Ê Đê để ý nhau, gia đình cô gái chuẩn bị 1 ché rượu và 1 chiếc còng (vòng) đồng để cúng thần, rồi cùng ông mối đến nhà trai dạm hỏi. Anh, em trai bên mẹ cầm chiếc còng đã được cúng thần để hỏi chàng trai, nếu chàng trai ưng thuận thì họ làm lễ trao còng. Khi cô gái và chàng trai chạm tay vào chiếc còng là đã xác nhận lời giao ước hôn thú. Từ đó, hai bên gia đình coi nhau là thông gia, mỗi bên cử một người đỡ đầu để giúp đôi trai gái nên duyên vợ chồng. Sau khi hoàn thành lễ hỏi, hai gia đình gặp nhau bàn việc thách cưới do nhà trai đưa ra. Lễ vật thách cưới gồm trâu, bò, chiêng, ché rượu… Nếu hai nhà đồng ý sẽ chọn ngày tổ chức lễ cúng đám cưới.

Để chuẩn bị cho lễ cúng đám cưới, nhà gái sẽ chuẩn bị 1 ché rượu, 2 cái cần và 2 chiếc vòng đồng được treo sẵn trên ché để trao tay cho hai vợ chồng. Thầy cúng làm nghi lễ gọi giàng, mời các thần linh và linh hồn ông bà nội, ngoại hai bên cùng chứng kiến lễ cưới của cô dâu chú rể, cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ có sức khỏe dồi dào, sống chung thủy, hòa hợp và sinh nhiều con cháu. Sau lễ cúng, thầy cúng lấy 2 chiếc vòng đeo lên tay cô dâu, chú rể. Hai vợ chồng rót 2 chén rượu mời cha mẹ hai bên; cô dâu mời rượu mẹ chồng, chú rể mời mẹ vợ. Kế đến, cô dâu chú rể cùng cầm 2 cần uống rượu, cho đến khi thầy cúng ra hiệu thì cả hai thả cần cùng lúc. Thầy cúng lấy con gà sống đưa hai vợ chồng cầm mỗi người một cánh gà, rồi gọi các thần linh chứng kiến, phù hộ cho đôi vợ chồng chăn nuôi được thuận lợi, làm ăn sung túc.

Từ khi hai người trao nhau chiếc vòng, uống cùng ché rượu thì chàng trai chính thức trở thành chồng của cô gái, phải luôn đi theo và nghe lời vợ. Trong nghi lễ này, nhà gái sẽ lễ cho mẹ chồng 1 ché rượu, 1 chiếc vòng đồng, 1 nồi đồng hoặc chén đồng, 1 bộ quần áo (hoặc vải) để cảm ơn mẹ chồng đã sinh ra và nuôi chồng lớn lên. Kết thúc lễ cúng, người thân, bạn bè sẽ được mời uống rượu chung vui, tặng quà, chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ.

Sau đám cưới, cô gái đến nhà chồng ở vài ngày, sau đó mới được làm lễ rước rể. Nhà trai tiễn con bằng 1 ché rượu và 1 con heo hoặc gà. Sau lễ rước rể, cô gái mới được cùng chồng về nhà mình sinh sống.

Gìn giữ tập tục truyền thống

Là già làng, người có uy tín ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, Ma Pin đã làm chứng cho rất nhiều đám cưới của các chàng trai, cô gái trong thôn, trong xã. Ông cũng giữ vai trò là thầy cúng, đứng ra làm lễ, chúc phúc cũng như hòa giải mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân của rất nhiều cặp đôi ở buôn làng.

Ma Pin cho biết: Hiên nay, rất nhiều gia đình học theo cách làm đám cưới của người Kinh, cũng bày mâm cỗ, đãi khách, hát nhạc… Tuy nhiên, những lễ nghi cơ bản trong đám cưới truyền thống của dân tộc Ê Đê vẫn được gìn giữ, chỉ lược giản bớt một số nghi lễ; việc thách cưới cũng nhẹ nhàng hơn, tùy theo điều kiện kinh tế của từng gia đình. Đặc biệt, theo luật tục của người Ê Đê, nếu vợ chồng bỏ nhau là vi phạm quy định của buôn làng, và người chủ động bỏ vợ/chồng phải chịu phạt. Luật tục này giúp các cặp vợ chồng biết nhường nhịn nhau, nhằm duy trì hôn nhân hạnh phúc.

Hờ Uôn ở thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, cho biết: Bây giờ ai cũng muốn có đám cưới hiện đại như người dưới xuôi, nhưng em lại thích được tổ chức theo nghi thức truyền thống của dân tộc Ê Đê. Trước khi cưới chồng, em đã tự dệt bộ váy áo cho em và chồng. Được mặc lên người bộ váy áo truyền thống, được thầy cúng và người thân chúc phúc, em cảm thấy rất vui và tự hào.

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai, xã có hơn 526 hộ dân, trong đó trên 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Ê Đê. Bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Suối Trai vẫn gìn giữ được nhiều phong tục, tập quán truyền thống của người bản địa, trong đó có lễ cúng đám cưới. Đây là một tập tục thể hiện rõ vai trò làm chủ của người phụ nữ trong gia đình. Lễ cúng đám cưới được bà con giữ gìn, lưu truyền gần như nguyên vẹn qua nhiều thế hệ, thể hiện được mối quan hệ gắn kết trong gia đình, cộng đồng, là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Ê Đê ở Suối Trai.

Vào ngày hội văn hóa hàng năm, xã Suối Trai thường xuyên tổ chức các hoạt động phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có lễ cúng đám cưới của người Ê Đê. Hoạt động này giúp các thế hệ trẻ tìm hiểu, tiếp cận phong tục, tập quán truyền thống, góp phần duy trì và bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai

Ngô Xuân

Báo Phú Yên – baophuyen.vn

Scroll to Top