Tuyên Quang: Ưu tiên đầu tư phát triển các dân tộc có khó khăn đặc thù

Với nguồn lực từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, đời sống của đồng bào các dân tộc có khó khăn đặc thù đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, để kéo giảm khoảng cách phát triển với các dân tộc khác thì việc tiếp tục ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ các dân tộc có khó khăn đặc thù là rất cần thiết.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng

Tại tỉnh Tuyên Quang dân tộc Pà Thèn sinh sống tại các xã: Hồng Quang (Lâm Bình), Linh Phú (Chiêm Hóa). Đây là một trong 14 dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025. Từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn lực, để đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện những địa bàn có dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung.  

Tuyến đường từ thôn Thượng Minh tới trung tâm xã Hồng Quang (Lâm Bình)

Ngày 20/10/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 40/NQ-HĐND phê duyệt danh sách các thôn tập trung đông đồng bào dân tộc có khó khăn đặc thù, có tỷ lệ hộ nghèo; tỉnh có 6 thôn của 4 xã thuộc 3 huyện có đồng bào Pà Thẻn sinh sống tập trung được bố trí vốn, để đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng thực hiện tiểu dự án 1 của dự án 9. Cụ thể gồm các thôn: Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình); Nà Luông và Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hoá); Đồng Cướm, xã Trung Sơn (Yên Sơn); Tân Minh và Đồng Phạ của xã Kiến Thiết (Yên Sơn).

Với địa bàn có đồng bào Pà Thẻn sinh sống tập trung, việc đầu tư cơ sở hạ tầng càng được chú trọng, từ đó tạo nền tảng để phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện thu nhập, giải quyết những vấn đề bức thiết về văn hóa, y tế, giáo dục của đồng bào DTTS. Đơn cử tại thôn Khuổi Hóp, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) có 44 hộ thì 100% là đồng bào dân tộc Pà Thẻn. Từ nguồn vốn Chương trình thôn đã được đầu tư tuyến đường giao thông Nà Lạc; nâng cấp tuyến đường giao thông Sáng Hính đi Khuổi Háo; xây mới đập đầu mối Phai Muối; xây mới trạm biến áp 180KVA; đầu tư kè rọ thép chống sạt lở đất ruộng dài 1,6 km đoạn qua thôn Khuổi Hóp và Pác Hóp…

Trước khi có Chương trình MTQG và các chương trình, chính sách dân tộc, tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở những địa bàn có đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống. Trong đó, thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã bố trí vốn cải tạo, nâng cấp 02 tuyến đường từ UBND xã Hồng Quang đi thôn Thượng Minh (Lâm Bình); từ ngã ba Pác Hóp đi thôn Nà Luông, xã Linh Phú (Chiêm Hóa). Các tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2020, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn định cư trên địa bàn của 2 xã.

Nâng cao thu nhập gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang hiện có 170 hộ thì có 90% là đồng bào Pà Thẻn. Theo ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lâm Bình, thực hiện dự án 6, huyện tiếp tục mở các lớp truyền dạy nghề thêu, dệt thổ cẩm, đan lát, làm các dụng cụ lạo động sản xuất cho người Pà Thẻn. Việc tổ chức tập huấn, truyền dạy sẽ nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, huyện cũng tổ chức cuộc thi dệt thổ cẩm, qua đó nâng cao tay nghề, giữ gìn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, xây dựng hình ảnh đẹp về vùng đất và người nơi đây với du khách.

Đồng bào dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh (Hồng Quang – Lâm Bình) được hỗ trợ học nghề và khôi phục nghề dệt thổ cẩm

Chị Sìn Thị Thơm, dân tộc Pà Thẻn ở thôn Thượng Minh chia sẻ: “Được tham gia lớp đào tạo, nhiều chị em trong thôn đã biết thêu, dệt, đan lát… cùng góp sức khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Hiện nay, ngoài làm trang phục của người Pà Thẻn, chị em trong thôn còn dệt khăn và một số sản phẩm khác để bán cho khách đến tham quan du lịch, từ đó tạo thêm thu nhập, nâng cao đời sống cho gia đình”.

Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định trong quá trình triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh quán triệt nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; tập trung cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc khó khăn nhất. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung đầu tư hỗ trợ dân tộc Pà Thẻn sinh sống tại các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hoá, Yên Sơn và ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao còn nhiều khó khăn tại các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, hộ thuộc các dân tộc còn nhiều khó khăn sẽ được hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt. Từ đó tạo nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Biên tập viên

Cổng TTĐT tỉnh Tuyên Quang – tuyenquang.gov.vn

Scroll to Top