Thuyền độc mộc Plung – Kiệt tác nghệ thuật của người M’nông
(TITC) – Cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 60km về phía nam, trên Quốc lộ 27, du khách sẽ bắt gặp hồ nước ngọt tự nhiên không bao giờ cạn rộng hơn 500 ha. Hồ nước ngọt lớn thứ hai tại Việt Nam (sau hồ Ba Bể) được bao bọc bởi dãy nios Chư Yang Sin hùng vĩ cùng cánh đồng lúa thuộc các buôn làng của người M’Nông ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Nổi bật trên mặt hồ là những chiếc thuyền độc mộc độc đáo của người M’Nông – Plung.
Du khách sẽ không chỉ bị mê hoặc bởi màu xanh của sự đa dạng hệ sinh thái thực vật, màu vàng của cánh đồng lúa chín, sự độc đáo từ kiến trúc nhà dài của người Ê Đê, M’Nông mà còn bởi sự di chuyển của những chiếc thuyền độc mộc tựa như những chú chim hạc lướt trên mặt hồ Lắk phẳng lặng, bình yên.

Ảnh: Nguyen The Duc
Plung – thuyền độc mộc được tạo ra từ gỗ sao có tuổi đời hàng trăm năm – có thân thẳng, chu vi lớn hơn cả 2 vòng ôm của thanh niên là tiêu chí tạo nên độ bền và chiều ngang của nó. Trước khi hạ cây, già làng thường tiến hành nghi lễ xin phép thần rừng. Từ một thân cây rắn chắc với chất gỗ cứng, qua nhiều khâu đục đeo điêu luyện, tỉ mỉ, các nghệ nhân đã tạo nên kiệt tác nghệ thuật là chiếc thuyền gỗ có độ dài khoảng 5m-7m, rộng khoảng 50cm và độ dày của thành, đáy từ 3cm-5cm. Thời gian để tạo ra một chiếc plung không chỉ một tuần, hai tuần mà thường cả một, hai mùa trăng hoặc hơn thế.
Một chiếc plung sẽ chở được 3 người. Trước khi chính thức được sử dụng, Plung sẽ được gia đình người M’Nông công nhận và đón rước qua nghi lễ kết nạp và hạ thủy. Trong nghi lễ kết nạp Plung, sẽ có nhiều món ăn, rượu cần để báo cáo với các thần linh, mời gọi ông bà tổ tiên về phù hộ để cầu mong sự bình an khi đưa thuyền xuống nước.
Plung được các gia đình người M’Nông coi như người thân trong nhà. Plung không chỉ thể hiện sự độc đáo của tài nghệ đục đẽo thuyền truyền thống mà còn là tài sản của các gia đình thể hiện quyền lực, sự giàu có. Với cộng đồng, đây là kiệt tác nghệ thuật độc đáo trong hệ thống di sản văn hóa văn thể và phi vật thể của người M’Nông ở lưu vực sông Sêrêpốk.
Trung tâm Thông tin du lịch