Tây Ninh triển khai Dự án 06 của Bộ VHTTDL

Thực hiện Dự án 06 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình.

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer

Sở VHTTDL phối hợp với Vụ Văn hoá dân tộc, Bộ VHTTDL tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy về bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian (dân ca, dân vũ, dân nhạc) dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch tại Tây Ninh.

Chương trình triển khai nhiều chuyên đề như: chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hoá và văn hoá dân tộc; nhận diện nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer tỉnh Tây Ninh – truyền thống và biến đổi; phương thức bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer trong thời đại mới gắn với phát triển du lịch…

Theo ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VHTTDL, lớp tập huấn với mục tiêu giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho người dân.

Trong đó, chú trọng tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hoá cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hoá đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của địa phương.

Đại biểu tham gia lớp truyền dạy về bảo tồn, phát huy Nghệ thuật trình diễn dân gian dân tộc Khmer gắn với phát triển du lịch.

Khai thác giá trị văn hoá truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc 

Sở VHTTDL tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác giá trị văn hoá truyền thống tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tham dự lớp tập huấn có 93 học viên là công chức văn hoá – xã hội (vùng có dân tộc thiểu số); già làng và những người có uy tín vùng đồng bào dân tộc; nghệ nhân tham gia khôi phục, bảo tồn các chương trình thuộc Dự án số 06; đồng bào vùng dân tộc thiểu số thuộc các huyện, thị xã, thành phố.

Chương trình triển khai 4 chuyên đề: văn hoá, giao tiếp ứng xử văn minh du lịch; kỹ năng hướng dẫn du lịch; kỹ năng đón tiếp và phục vụ khách du lịch tại cộng đồng; phương pháp chế biến món ăn.

Thông qua lớp tập huấn nhằm phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để phát triển các mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương; bên cạnh đó gắn kết các loại hình văn hoá của các dân tộc thiểu số và huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch. 

Truyền dạy nghệ thuật Xoè Thái tại Bến Cầu

Mới đây, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tỉnh Tây Ninh và UBND xã Long Phước (huyện Bến Cầu) tổ chức khoá truyền dạy nghệ thuật Xoè Thái cho cộng đồng người dân tộc Thái tại xã Long Phước.

Có 21 học viên người dân tộc Thái đang sinh sống trên địa bàn ấp Phước Trung, xã Long Phước tham gia luyện tập. Các học viên được Nghệ nhân ưu tú Lê Quốc Hoàng, người dân tộc Thái đến từ huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An truyền dạy các điệu múa cổ của dân tộc Thái và những điệu múa hiện đại như: Mừng lúa mới, Điệu múa đoàn kết, Trồng bông dệt vải… 

Nghệ nhân ưu tú Lê Quốc Hoàng truyền dạy các điệu múa dân tộc cho người Thái ở Bến Cầu.

Khoá truyền dạy đóng góp một phần quan trọng vào công tác thực hành và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể của cộng đồng người Thái trên cả nước nói chung và tại Tây Ninh nói riêng.

Sau khi kết thúc khoá học, học viên được Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cấp chứng nhận. Ngoài ra, Viện đã trao tặng cho CLB Sinh hoạt văn hoá dân gian dân tộc Thái, xã Long Phước các trang phục, đạo cụ truyền thống của dân tộc Thái. 

Trao tặng sách cho các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thư viện tỉnh đã bàn giao 255 đầu sách và 1 tủ đựng sách cho Nhà văn hoá dân tộc ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên.

Thư viện tỉnh khảo sát nhu cầu thông tin của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương để lựa chọn các chủ đề, tên sách phù hợp. Những đầu sách có nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về văn hoá, thể thao, gia đình; xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; giới thiệu nét đẹp văn hoá đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc thiểu số và miền núi…

Việc xây dựng tủ sách cộng đồng là bước đi quan trọng trong việc nâng cao kiến thức và ý thức của cộng đồng về phát triển kinh tế cũng như bảo tồn văn hoá truyền thống. Tủ sách không chỉ cung cấp tài liệu học tập và giải trí mà còn khuyến khích sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương trong việc tặng sách, góp phần tạo dựng một nguồn tài nguyên phong phú cho cộng đồng.

Hoàng Yến
Báo Tây Ninh – baotayninh.vn – Đăng ngày 26/10/2024

Scroll to Top