Tây Ninh: “Nhen lửa” cho nghệ thuật Xoè Thái
Được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, Xoè Thái và văn hoá dân tộc Thái gần đây dần phát triển một cách bài bản, với hy vọng trở thành điểm sáng góp phần thu hút du lịch trong tương lai.
Năm 2021, nghệ thuật Xoè Thái được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu thời gian qua, cộng đồng người Thái đã cố gắng gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của dân tộc.
Từ các hoạt động tự phát ban đầu của những người con xa quê muốn gìn giữ giá trị văn hoá dân tộc, dần dần, nghệ thuật Xoè Thái được lan toả trong cộng đồng các dân tộc tại Tây Ninh. Được sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, Xoè Thái và văn hoá dân tộc Thái gần đây dần phát triển một cách bài bản, với hy vọng trở thành điểm sáng góp phần thu hút du lịch trong tương lai.
Nỗ lực trao truyền các giá trị văn hoá
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hảo – cán bộ nghiên cứu Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thuộc Bộ VHTTDL cho biết, người Thái có rất nhiều giá trị văn hoá cũng như văn hoá tâm linh thể hiện bản sắc dân tộc. Nghệ thuật Xoè là đặc trưng bản sắc dễ nhận diện nhất. Với người Thái, khi bản làng có khách quý đến chơi, họ sẽ tổ chức buổi Xoè để đón khách.
Thạc sĩ Hảo cho biết thêm, cộng đồng dân tộc Thái tại ấp Phước Trung, xã Long Phước, huyện Bến Cầu có một điểm thuận lợi là sống mật tập (sống cư trú tập trung tại một địa bàn), cùng một tộc người Thái di cư từ Bá Thước, Thanh Hoá vào.
Qua hơn 30 năm, nhiều giá trị di sản văn hoá phi vật thể cũng như vật thể dần mai một, bản làng không còn cấu trúc truyền thống nữa. Những giá trị văn hoá chỉ còn được ghi nhớ một cách vụn vặt trong tâm trí của người lớn tuổi. Còn đối với thế hệ trẻ, những giá trị này có thể xem là bị đứt gãy vì gần như họ không có cơ hội thực hành hay được trao truyền.
Biểu diễn Xoè Thái.
Sau hai đợt khảo sát, nghiên cứu, Viện đã tổ chức nói chuyện chuyên đề với đồng bào Thái tại đây về thực trạng di sản, thách thức của công cuộc bảo tồn và lý do cần phải bảo tồn các di sản để người dân nhận thức được vì sao phải cần truyền dạy Xoè.
Song song đó, Viện tổ chức khoá truyền dạy nghệ thuật Xoè trong 8 ngày đã mang lại niềm vui, niềm tự hào lớn cho cộng đồng người dân nơi đây. Nhiều người cho biết rất xúc động khi được khơi dậy những cái mình tưởng chừng đã mất đi từ lâu. Từ đây, các giá trị văn hoá của dân tộc sẽ được người lớn truyền dạy cho cháu con, cứ vậy tiếp nối.
Đây sẽ là “đốm lửa” để đồng bào dân tộc Thái giữ gìn, phát huy, thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu bản sắc văn hoá trong và ngoài cộng đồng dân tộc. “Phân tích về thực trạng di sản văn hoá, đời sống của người Thái tại đây, chúng tôi thấy rằng sống ở quê mới, khi nói về văn hoá, họ không có gì để khoe và tự hào.
Với những hoạt động đã triển khai, chúng tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để giúp họ thấy rằng điều này thật sự ý nghĩa và họ cũng phải thật sự cố gắng để phát huy di sản văn hoá, đời sống của người Thái. Những học viên được truyền dạy sẽ là hạt nhân cốt lõi để phát huy, bảo vệ cũng như vận hành câu lạc bộ sao cho hiệu quả. Để sau này, họ có thể tự hào khoe về những di sản văn hoá của dân tộc mình”- Thạc sĩ Nguyễn Thị Hảo cho biết.
Được biết, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có đề xuất chính quyền địa phương tạo không gian sinh hoạt cho người Thái, cụ thể là nhà sàn, bởi vì cùng với chiếc khăn Piêu thì nhà sàn là vật chất đại diện của dân tộc Thái.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần đầu tư về trang phục, đạo cụ để người dân tộc Thái nơi đây trình diễn nghệ thuật Xoè Thái. Đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền cùng sự đóng góp của người dân, các trang phục, đạo cụ như cồng chiêng, khèn bè, pí pặp đã được mua để sử dụng trong những dịp quan trọng.
Nỗ lực giữ gìn
Ông Hà Duy Khuyền- người có uy tín trong đồng bào dân tộc Thái tại ấp Phước Trung, xã Long Phước cho biết, cộng đồng hiện có 107 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông.
Trước đây, để giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc, trong đó có Xoè Thái, mọi người phải tự học. “Khó chứ, vì gần như bắt đầu với con số 0 mà. Chúng tôi tự tập luyện cùng nhau, người lớn chỉ dạy cho người trẻ hơn. Sau này, các cháu trẻ được tiếp cận internet thì học thêm qua YouTube. Dù trước đó không có kinh phí hỗ trợ nhưng ai cũng tích cực tập luyện”- ông Khuyền nói.
Tháng 9 vừa qua, huyện Bến Cầu thành lập Câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hoá dân gian dân tộc Thái tại xã. Mới đây, Sở VH,TT&DL phối hợp cùng Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức truyền dạy nghệ thuật Xoè Thái cho cộng đồng tại ấp Phước Trung mang lại sự hứng khởi và hy vọng mới trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản này.
Ông Khuyền chia sẻ niềm vui: “Những sự quan tâm đã động viên bà con chúng tôi thích tập luyện hơn. Được thầy vào dạy, bà con phấn chấn tinh thần, thích thú vì được học thêm các điệu múa, thực hành các nghi lễ lễ hội. Tôi thấy thêm hy vọng trong việc phát huy và giữ gìn văn hoá sau những gì vừa được học”.
Ông Hà Duy Khuyền thực hành biểu diễn một nghi lễ.
Chị Ngân Thị Dựng, 22 tuổi, thành viên nhỏ tuổi nhất tham gia khoá truyền dạy nghệ thuật Xoè Thái vừa qua bày tỏ sự phấn khởi sau khi hoàn thành khoá học: “Học những điệu múa Xoè- điệu múa của dân tộc mình, em cảm nhận được tình yêu dân tộc và sự đoàn kết, gắn kết của đồng bào Thái trên địa bàn mình sinh sống.
Em mong rằng, điệu múa của dân tộc mình sẽ được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Là người con dân tộc Thái, em sẽ cố gắng phát huy vai trò thanh niên dân tộc trong việc truyền dạy điệu múa này đến các em thiếu nhi, các bạn trẻ thông qua các chương trình văn nghệ, các hội thi, cuộc thi tại địa phương và trên địa bàn tỉnh”.
Chị Dựng cho biết, từ nhỏ mình được bố mẹ và các cô bác truyền dạy những nét văn hoá dân tộc, trong đó có Xoè Thái, nhưng còn khá rời rạc, không bài bản và trọn vẹn. Tuy vậy, ý thức được việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, chị và các bạn trong cộng đồng thường xuyên lên mạng xã hội học điệu múa dân tộc qua các video clip.
Rồi họ tự tập luyện với nhau, cùng đưa điệu Xoè Thái vào các tiết mục văn nghệ của trường để lan toả nét đẹp văn hoá này đến mọi người. May mắn đợt này được tham gia khoá truyền dạy nghệ thuật, được thầy tận tình dạy, chị học được nhiều kiến thức, kỹ thuật để ngày càng phát triển hơn nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Cũng sau khoá truyền dạy này, ông Hà Công Khẹt, 69 tuổi, hy vọng sẽ có thêm nhiều người biết và cùng nhau rèn luyện Xoè Thái, khèn bè, góp phần giữ gìn văn hoá dân tộc. Nhiều năm qua, ông Khẹt là một trong những người cao tuổi hiếm hoi còn lưu giữ và truyền lại cho cộng đồng những điệu khèn bè và Xoè Thái.
Luôn mong muốn học thêm những điệu múa mới, thực hành nghi lễ một cách bài bản, nên thời gian qua, không ngại xa xôi, ông Khẹt túc trực hằng đêm để cùng mọi người học hỏi Nghệ nhân ưu tú Lê Quốc Hoàng từ nghệ An vào truyền dạy nghệ thuật Xoè Thái.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho hay: “Chính quyền địa phương đã có nhiều sự quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc Thái trong giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hoá truyền thống như tổ chức các buổi biểu diễn văn nghệ, tạo điều kiện để con em đồng bào dân tộc Thái học múa Xoè.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương kiến nghị UBND huyện và các ngành chức năng hỗ trợ người dân xây dựng địa điểm sinh hoạt, lưu giữ truyền thống văn hoá dân tộc Thái. Tôi hy vọng cộng đồng dân tộc Thái trong thời gian tới sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ để họ tiếp tục gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trên mảnh đất Tây Ninh”.
Vi Xuân – Ngọc Bích
Báo Tây Ninh – baotayninh.vn – Đăng ngày 12/12/2024