Kon Tum: Sắc màu văn hóa Thái ở vùng cực Bắc Tây Nguyên

Trong 10 năm hình thành và phát triển, huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) được hội tụ bởi nhiều mạch nguồn văn hóa, từ đó hình thành và phát triển nhiều loại hình văn hóa dân gian phong phú, đa dạng, mang sắc thái riêng của 8 dân tộc anh em cùng sinh sống.

Về tham gia Liên hoan cồng chiêng, xoang các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum lần thứ II, đội nghệ nhân xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai đã trình diễn Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu văn hóa Thái” và tạo được ấn tượng đẹp với bạn bè và du khách gần xa.


Đội nghệ nhân xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai trình diễn tiết mục Thổi Sáo và Khắp Thái bài Cảm ơn Đảng

Mở màn với tiết mục Thổi Sáo và Khắp Thái bài Cảm ơn Đảng, đội nghệ nhân dân tộc Thái đến từ thôn 4, xã Ia Đal, huyện biên giới Ia H’Drai đã tạo nên sự mới lạ và thu hút mọi ánh mắt hướng về sân khấu.

Nghệ nhân Lục Thị Đương chia sẻ: Khắp Thái là những bài hát dân ca, những làn điệu trữ tình được lưu giữ bằng cách truyền miệng hoặc ghi chép lại từ đời này sang đời khác. “Khắp” xuất hiện thường xuyên và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái. Khắp Thái là lối hát dùng thanh nhạc làm hình thức để biểu đạt nội dung thơ. Một bài thơ, một truyện thơ đồng thời cũng là một bài hát. Khắp Thái có nhiều loại, tùy nội dung, đề tài mà có tên gọi khác nhau.

Với sắc màu rực rỡ và những giá trị văn hóa độc đáo, đội nghệ nhân dân tộc Thái đã để lại ấn tượng đẹp với bạn bè và du khách

Với sắc màu rực rỡ và những giá trị văn hóa độc đáo, đội nghệ nhân dân tộc Thái đã để lại ấn tượng đẹp với bạn bè và du khách

Câu “khắp” được lấy nội dung từ những câu truyện thơ của dân tộc Thái kết hợp với vần điệu, luyến láy, tiết tấu tự do để mang cảm xúc vào mỗi câu hát. Những điệu “khắp” thường có giai điệu mượt mà, trữ tình, bắt tai, được khán giả đón nhận. Khắp Thái thường kết hợp cùng với “pí khui” (sáo trúc) và “pí pe” (khèn bè), giọng hát trầm bổng cùng sáo, khèn ngân nga tạo nên một thứ âm thanh lạ, độc đáo để đi vào lòng người.

Nghệ nhân Hà Văn Tình cho biết: Bài Cảm ơn Đảng với nội dung “Tôi đến đây khắp cảm ơn Đảng, Chính phủ đưa tất cả lợi ích về cho dân, cho dân được hưởng thụ. Mang cho điện lưới quốc gia, bao nhiêu vất vả khó nhọc giờ tan biến. Đảng làm cho đường đi lối lại, đi không vấp phải đá, không quàng phải dây. Với đàn con trẻ thơ ngây đã có trường học chữ, ê a hằng ngày…”. Bài “khắp” này để chúng tôi tuyên truyền cho người dân phải biết giữ gìn, đời đời ơn Đảng không bao giờ được quên. Bởi nhờ có Đảng mà Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Các nghệ nhân tái hiện lại nghi lễ truyền thống của dân tộc Thái

Các nghệ nhân tái hiện lại nghi lễ truyền thống của dân tộc Thái

Cùng với đó, tiết mục Hòa tấu “Hương sắc vùng cao” là sự phối âm của các loại nhạc cụ: Trống, cồng chiêng, chũm chọe, kèm theo đó là gõ bẳng bu sôi động, tạo nên bản nhạc không lời mang đậm bản sắc núi rừng, thể hiện tâm trạng, tình cảm của con người, diễn tả cảnh buổi sáng trên bản của người Thái gồm đi nương, săn bắn, hái lượm, bắt cá, giã gạo.

Nghệ nhân Hà Thị Long chia sẻ: Tiết mục Hòa tấu “Hương sắc vùng cao” còn bao quát các không gian lễ hội của cộng đồng trong các dịp vui được mùa, ngày tết, lễ hội, đám cưới, đón khách… của dân tộc Thái. Những âm thanh ấy sẽ bay qua trăm ngọn núi, qua nghìn con suối, con sông, xua đi cái dữ, cái xấu làm cho đồng bào luôn có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đến với Liên hoan lần này tôi mong muốn được giới thiệu đến bạn bè và du khách về bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, đồng thời tôi cũng hiểu biết thêm về nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các DTTS ở Kon Tum.

Các nghệ nhân trình diễn những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái

Các nghệ nhân trình diễn những nhạc cụ truyền thống của dân tộc Thái

Đến với Liên hoan lần này, đội nghệ nhân xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai còn tái hiện lại Lễ hội “Kìn chiêng bốc mạy” hay còn gọi là hát múa ăn mừng dưới cây bông của dân tộc Thái. “Kìn chiêng bốc mạy” là lễ hội tiêu biểu, đặc sắc nhất của dân tộc Thái, diễn ra vào thời điểm đất trời lập xuân, với không khí vui tươi, rộn rã, là sợi dây bền chặt gắn kết cộng đồng dân tộc Thái.

Đây là Lễ hội tín ngưỡng văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần bao đời nay của dân tộc Thái. Nội dung của Kìn chiêng bốc mạy là lễ tế thần linh mường trời, thổ địa, thần núi, thần sông và thần hoàng làm lễ cơm mới, lễ cầu may, cầu mắt, cho dân làng mạnh khỏe, cuộc sống thanh bình

Nghệ nhân Hà Quang Huy cho biết: Trong lễ hội này có tổ chức “chơi bói hoa” và mô phỏng một số trò chơi dân gian trong lao động sản xuất nhằm phản ánh và tái hiện lại một số trò chơi dân gian của cộng đồng người Thái thời xa xưa. Đây không những là để bày tỏ những khát vọng, những ước mơ về cuộc sống bình yên, xua đi những nhọc nhằn lo toan vất vả trong cuộc sống hiện tại, đây cũng là một hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần đặc sắc một bức tranh đa sắc màu của cộng đồng người Thái góp phần xây dựng cho nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Các nghệ nhân tái hiện lại không gian lễ hội và các trò chơi dân gian của dân tộc Thái

Các nghệ nhân tái hiện lại không gian lễ hội và các trò chơi dân gian của dân tộc Thái

Chị Nguyễn Thị Hằng – phường Quang Trung, Tp. Kon Tum chia sẻ: Được thưởng thức những tiết mục và lễ hội của dân tộc Thái tôi thấy rất hay và ý nghĩa. Giúp tôi hiểu thêm về văn hóa truyền thống của các dân tộc và qua đây thấy được sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Với những tiết mục đặc sắc, đội nghệ nhân dân tộc Thái đến từ xã Ia Đal, huyện biên giới Ia H’Drai đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè và du khách gần xa. Đây cũng là niềm khích lệ, động viên để cộng đồng dân tộc Thái đang sinh sống, lập nghiệp ở miền biên viễn tiếp tục gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ để những giá trị văn hóa tốt đẹp mãi trường tồn với thời gian và góp phần tạo nên một bức tranh văn hóa đa sắc màu ở vùng đất cực Bắc Tây Nguyên này. 

Ngọc Chí

Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn – Đăng ngày 14/12/2024

Scroll to Top