Quảng Ninh: Lan tỏa nghề thêu cổ truyền của người Dao Thanh Y
Quan tâm phục dựng, truyền dạy kỹ thuật đồng thời thúc đẩy các hoạt động dạy nghề, phổ biến rộng rãi và đưa nét đẹp này vào phục vụ du lịch… là cách mà cộng đồng người Dao Thanh Y ở Bằng Cả (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gìn giữ và lan tỏa giá trị nghề thêu cổ truyền của đồng bào.
Theo ghi chép thì làng bản người Dao Thanh Y đã có lịch sử hình thành hơn 300 năm trước. Quá trình lịch sử, người Dao Thanh Y cũng từ Ba Chẽ, Đầm Hà, Bắc Giang… di cư tới đây sinh sống, tạo nên một cộng đồng đông đảo. Tuy trải qua những thăng trầm nhưng người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả vẫn lưu giữ được nhiều nét đẹp văn hóa.
Ông Đặng Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Cả, người dân bản địa, chia sẻ: Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa, trang phục riêng. Trang phục như một thứ ngôn ngữ biểu đạt đặc trưng văn hóa. Với người Dao Thanh Y chiếm đa số ở xã, nét đẹp này là một niềm tự hào, cần được phát huy, gìn giữ vừa định vị cộng đồng vừa là động lực để phát triển.
Đến dự lễ hội làng lớn nhất dịp đầu, cuối năm hoặc các đám cưới, đám hỏi ở đây mới thấy hết giá trị này. Toàn bộ cư dân bản địa đều diện trang phục cổ truyền. Trang phục của bà con cũng rất đa dạng. Trong lễ cưới hỏi, cô dâu, chú rể diện lễ phục thổ cẩm Dao Thanh Y rực rỡ, điểm xuyết bởi dây thắt lưng, mũ đội đầu và các vòng bạc trang trí. Trang phục lễ tết thì sặc sỡ, nhiều màu sắc. Dịp làm lễ hoặc ma chay nổi bật là trang phục của thầy mo có thêm áo rồng trang nghiêm, uy nghi…
Để lan tỏa rộng rãi giá trị các trang phục truyền thống người Dao Thanh Y, chính quyền, cộng đồng nơi đây cũng đã có nhiều giải pháp quan tâm gìn giữ. Trước hết, chính quyền, làng xã có sự quan tâm khuyến khích các nghệ nhân, cá nhân tìm tòi, lưu giữ nghệ thuật, các bài thêu cổ truyền. Đây chính là các nhân tố truyền dạy, phổ biến cho con cháu, cho cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, xã đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề, trong đó có lớp học may thêu trang phục dân tộc.
Đi tiên phong là các nghệ nhân Trương Thị Ba (đã mất), sau là bà Trương Thị Quý, Trương Thị Đông… Họ đứng lớp, “cầm tay chỉ việc” truyền dạy cho lớp trẻ. Trung bình hằng năm có 1 lớp giảng dạy cho từ 25-35 học viên. Từ năm 2023 tới nay, xã đã quan tâm hơn, mở được 2 lớp học/năm. Đồng thời, nghệ thuật thêu cũng được lan tỏa, dạy học rộng ra tới các xã Tân Dân, Kỳ Thượng…
Để nét văn hóa truyền thống thấm sâu, việc mặc cũng như học tập kỹ thuật thêu được chính quyền làng xã đưa vào thực tế cuộc sống như một dạng hương ước, quy ước của làng xã. Trước hết, đối với lễ hội làng và các dịp lễ trọng đầu năm và cuối năm, toàn thể người dân tới hội phải diện trang phục lễ hội.
Điều đặc biệt là, trang phục dần trở thành nét đẹp, đặc trưng mời gọi du khách trong dịp lễ hội làng. Cũng từ năm 2010, khi Khu bảo tồn văn hóa người Dao được xây dựng, có nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức. Việc mặc trang phục cổ truyền được khuyến khích và dần trở thành thói quen vào các dịp lễ tiết, khi học sinh tới trường, vào dịp cưới hỏi ở địa phương và cả trong công sở.
Để lan tỏa nét đẹp, xã cũng có kế hoạch đưa nét đẹp này thành sản phẩm phục vụ du lịch, thương mại. Từ năm 2016, xã cũng thành lập các nhóm, tổ hợp đan thêu; định hướng lập dự án, mời các đơn vị, doanh nghiệp quan tâm vào đầu tư, đặt hàng mỹ nghệ phục vụ du lịch. Cho tới năm 2023, xã cũng thành lập HTX Du lịch xã Bằng Cả phục vụ du khách, trong đó giới thiệu về trang phục, nghệ thuật đan thêu là một nội dung “đinh” trong hành trình tham quan của du khách.
“Nhờ tổ chức quy củ, quan tâm gìn giữ và phát huy, nét đẹp nghệ thuật đan thêu, trang phục truyền thống ngày càng được biết tới, góp phần “định vị” vùng đất, văn hóa người Dao Thanh Y. Nhiều du khách quốc tế thích thú với nét đẹp này, thậm chí bỏ tiền ra mua, sưu tập trang phục. Hiện xã đang rất quan tâm tới việc hoàn thiện quy hoạch, đề xuất xây dựng các dự án mở rộng khuôn viên Khu bảo tồn; tái hiện cuộc sống qua trang phục, nhà cổ của người Dao Thanh Y… nhằm phục vụ đông đảo du khách gần xa” – ông Đặng Văn Mạnh cho biết thêm.
Cùng với đó, thiết nghĩ, để phát huy mạnh mẽ giá trị này trong thực tế, cần sự quan tâm, đầu tư hơn về cơ chế, chính sách; hạ tầng cũng như việc kết nối, thu hút tour tuyến… để các giá trị này được phát huy sống động hơn nữa.
Hà Phong
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn – Đăng ngày 01/12/2024