Quảng Ninh: Đảm bảo an ninh trật tự trên Vịnh Hạ Long

Từ đầu năm đến nay, Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón khoảng 2,7 triệu lượt khách tham quan, gần 100.000 lượt phương tiện rời cảng, bến đưa khách đi tham quan. Vì vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông (ATGT), kiểm tra, giám sát môi trường kinh doanh du lịch trên vịnh luôn được các đơn vị chức năng quan tâm thực hiện.

Lực lượng Cảnh sát thủy (Đội CSGT-TT, Công an TP Hạ Long) làm việc với chủ phương tiện vi phạm ngày 1/9. Ảnh: Công an TP Hạ Long cung cấp.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát thủy (Đội CSGT-TT, Công an TP Hạ Long) đã xử lý nhiều chủ phương tiện vi phạm trong việc đưa hành khách tham quan Vịnh Hạ Long. Theo đó, các chủ phương tiện chủ yếu sử dụng xuồng vỏ composite hoặc tàu đánh cá, không xuất trình được bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn cùng các loại giấy tờ liên quan tới phương tiện. Thời gian tới, Công an TP Hạ Long sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường kiểm tra đột xuất; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long và các lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức 264 lượt tuần tra, giám sát; phát hiện, phối hợp xử lý 187 trường hợp vi phạm, đề nghị xử phạt hành chính gần 2,4 tỷ đồng; tịch thu dụng cụ đánh bắt thủy sản trái phép. Trong đó, chủ yếu là các lỗi về sử dụng các phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn điều khiển phương tiện thủy nội địa theo quy định; đeo bám tàu du lịch để ăn xin, bán hàng rong trên Vịnh Hạ Long… Bên cạnh đó, kiểm tra cơ sở vật chất, hạ tầng, điều kiện hoạt động, thiết bị an toàn của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. Đặc biệt, tuần tra, giám sát, ngăn chặn đối với các phương tiện chở khách đi tham quan, du lịch tại một số hang động, bãi đảo không nằm trong tuyến, điểm tham quan du lịch, chưa được công bố đón khách du lịch theo quy định.

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long.

Để các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên vịnh nắm được các thông tin, quy định của pháp luật hiện hành, lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến; kiểm tra tình hình kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời gặp gỡ, đối thoại các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, cá nhân; tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng Công an TP Hạ Long, mặc dù công tác xử lý vi phạm ANTT, ATGT trên Vịnh Hạ Long đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ Di sản vẫn phải đối mặt với những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vẫn còn tái diễn tình trạng đeo bám tàu du lịch, ăn xin, bán hàng rong trong khu vực di sản; tổ chức các tour tham quan trái phép các điểm tham quan chưa được cấp thẩm quyền công bố trên vịnh. Nguyên nhân là do Vịnh Hạ Long là khu vực biển đảo rộng lớn, địa hình với hàng trăm đảo đá vôi lớn nhỏ, trong khi lực lượng chức năng, quản lý mỏng nên việc tuần tra, kiểm soát gặp khó khăn. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực quản lý, bảo vệ Di sản thế giới Vịnh Hạ Long chưa bao trùm đầy đủ các lĩnh vực, mới chỉ xử lý được các lỗi vi phạm theo lĩnh vực ngành quản lý; chưa đủ sức răn đe. Công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Vịnh Hạ Long đôi lúc còn chưa chặt chẽ, thường xuyên, quyết liệt, chủ động.

Cán bộ Cảng vụ đường thủy nội địa kiểm tra trang thiết bị đảm bảo an toàn trên tàu tham quan.

Dự báo năm 2025, công tác phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức bởi tình hình ANTT, ATGT, môi trường kinh doanh du lịch… vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Ủy ban Di sản thế giới tại kỳ họp lần thứ 46 tại Ấn Độ đã yêu cầu tỉnh Quảng Ninh mời Đoàn Giám sát phản hồi của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và Trung tâm Di sản thế giới thanh tra tổng thể công tác quản lý, bảo vệ Di sản thế giới Vịnh Hạ Long trong tháng 1/2025. Vì vậy, để đảm bảo ANTT, ATGT trên vịnh cũng như các điều kiện để đón các đoàn quốc tế đến thanh tra, BQL Vịnh Hạ Long cùng các ngành chức năng cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp.

Theo ông Phạm Đình Huỳnh, Phó trưởng BQL Vịnh Hạ Long, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới Vịnh Hạ Long. Đồng thời, tập trung nguồn lực thu gom, xử lý rác thải trên vịnh; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tháo dỡ, di dời các cơ sở nuôi trồng trái phép trên Vịnh Hạ Long; quản lý, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện tháo dỡ, di dời; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các quy định về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản Vịnh Hạ Long đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trên vịnh. Đối với việc đón tiếp đoàn quốc tế đến thanh tra vào tháng 1, BQL vịnh sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu UBND tỉnh đón tiếp cũng như chuẩn bị tốt điều kiện tại các khu vực Đoàn đi thực địa và nội dung giải trình, lập luận trước các khuyến nghị của Đoàn công tác.

Dương Hà

Scroll to Top