Phú Yên: Cơ hội cho làng nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở Xí Thoại phát triển
Mới đây làng nghề dệt Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, mở ra cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân trong việc duy trì, quảng bá nghề truyền thống của đồng bào Ba Na gắn với phát triển du lịch.
Gần 50 hộ dân ở Xí Thoại gắn bó với nghề dệt thổ cẩm
Nghề dệt thổ cẩm của người Ba Na ở xã Xuân Lãnh đã có từ lâu đời, được gìn giữ đến ngày hôm nay thông qua những đôi bàn tay khéo léo của hàng chục người dân làng dệt, trong đó phải kể đến những nghệ nhân. Họ không chỉ gìn giữ nét văn hóa lâu đời của cha ông, mà còn phát huy làng thổ cẩm trở thành điểm đến du lịch trong thời gia qua.
Theo một số nghệ nhân lớn tuổi tại Xí Thoại, nghề dệt thổ cẩm trước đây phục vụ nhu cầu mặc của hộ gia đình, gắn liền với truyền thống của đồng bào Ba Na tại địa phương. Dần về sau này, nhiều người ưa chuộng, du khách đến đặt các hộ gia đình làm đồ thổ cẩm ngày càng nhiều, từ đó làng dệt thổ cẩm có đầu ra, và cải thiện thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Mới đây, đầu tháng 2/2024, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại được UBND tỉnh Phú Yên công nhận là làng nghề truyền thống, qua đó mở ra cơ hội phát triển làng nghề gắn với sinh kế cho hàng chục hộ dân. Mặc dù đã có từ nhiều năm trước, tuy nhiên đến năm 2000 mới được khôi phục và phát triển. Thời điểm Tổ dệt thổ cẩm Xí Thoại ra đời, ban đầu có 16 người, nhưng đến nay đã gần 50 hộ dân tham gia.
Sản phẩm thổ cẩm từ làng nghề thổ cẩm Xí Thoại ngày càng đa dạng mẫu mã, hình thức đẹp mắt, đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ các chính sách dành cho ngành nghề truyền thống, thổ cẩm Ba Na ở Xuân Lãnh đã từng bước khởi sắc, thị trường tiêu thụ ngày càng rộng lớn.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ri cho biết: Ngày trước làm hoàn toàn bằng thủ công, nguyên liệu phải vào rừng kiếm như bông về kéo sợi, vỏ cây về nhuộm nên vải chỉ ba màu chính là đỏ, đen, trắng. Để dệt được một bộ đồ để mặc cũng rất kỳ công. Nhưng hiện nay, người dân sử dụng len để dệt thổ cẩm nên nhanh hơn, màu sắc và hoa văn cũng đa dạng hơn. Bởi thế, muốn sản phẩm đẹp thì khâu nhuộm được coi là quan trọng nhất, đòi hỏi kinh nghiệm, thẩm mỹ cao để pha màu sao cho đa dạng và hài hoà.
“Mỗi hoa văn được dệt lên vải thể hiện cho từng bản sắc riêng của dân tộc nơi đây. Mỗi một mảnh vải thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ, miêu tả thiên nhiên thông qua các họa tiết hình học được lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày của người dân địa phương và biểu tượng hóa vẻ đẹp tự nhiên của núi rừng và thảo nguyên”, chị La O Thị Tím cho hay.
Thời gian qua, UBND xã Xuân Lãnh và huyện Đồng Xuân tạo điều kiện cho các thành viên Tổ dệt thổ cẩm Xí Thoại tham gia các lớp đào tạo nghề, xúc tiến thương mại, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ tìm kiếm thị trường, quảng bá hình ảnh sản phẩm gắn liền với thương hiệu của làng nghề.
Qua đó, giúp cho thương hiệu thổ cẩm Xí Thoại ngày càng vươn xa để phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch, giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, tạo thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, làng nghề dệt thổ cẩm Xí Thoại đã làm được 20 sản phẩm, như móc chìa khóa, túi xách, ví tiền, túi đựng điện thoại, túi dây rút, túi sò, khăn choàng… với giá từ 15.000 đồng đến 3 triệu đồng/sản phẩm. Những sản phẩm của làng nghề đang được rất nhiều khách mua làm quà tặng và sử dụng.
“Đảng ủy xã Xuân Lãnh thường xuyên định hướng, tuyên truyền để mỗi người dân làng nghề trở thành một tuyên truyền viên, hướng dẫn viên giới thiệu, quảng bá sản phẩm của làng nghề đến với du khách. Mỗi người dân nâng cao ý thức bảo vệ tốt môi trường làng nghề; xây dựng hình ảnh làng nghề thân thiện, mến khách và chuyên nghiệp”, ông Võ Trọng Nam – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lãnh cho biết.
Cũng theo ông Nam, thôn văn hóa Xí Thoại hiện nay đã trở thành một điểm đến du lịch văn hóa, nơi du khách có thể tham quan, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống và mua các sản phẩm thủ công chất lượng. Đó cũng động lực để các cấp, ngành, chính quyền địa phương quyết tâm triển khai nhiều giải pháp trong thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Còn ông Lê Văn Khương, Tổ trưởng Tổ hợp làm du lịch cộng đồng thôn Xí Thoại cho biết: Những năm qua, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu văn hóa, con người và cuộc sống nơi đây. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các vùng đất nông thôn tận dụng tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh quảng bá dệt thổ cẩm gắn với du lịch để phát huy giá trị làng nghề. Ngoài ra đẩy mạnh khai thác các mô hình, tiềm năng lợi thế của địa phương để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Đến với Xí Thoại, du khách không những được đắm chìm trong không gian văn hóa đa dạng như cồng 3 chiêng 5, dệt thổ cẩm, mà còn được trải nghiệm nhiều đặc sản riêng biệt, thiên nhiên đa sắc màu”, ông Khương cho biết thêm.
T.Nhân – H.Trường
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn – Đăng ngày 20/12/2024