Những món ẩm thực đặc trưng vùng Tây Bắc
Tây Bắc là cái nôi của các DTTS như Thái, Tày, Mường, Dao, Mông, Lô Lô, Hà Nhì… Một trong những sắc thái văn hoá dân tộc độc đáo của đồng bào vùng Tây Bắc là những món ăn truyền thống nổi tiếng chỉ có ở vùng này. Người dân Tây Bắc thường cầu kỳ trong chế biến món ăn khi nhà có khách quý, vào dịp lễ, Tết hoặc phục vụ khách du lịch khi đến tham quan bản làng.
Mâm cỗ đãi khách của người Thái có món pa pỉnh tộp
Tại vùng DTTS và miền núi nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, mỗi dân tộc đều có những món ăn truyền thống, mang đậm sắc thái dân tộc mình. Nếu như người Mông có món mèn mén làm từ ngô, thắng cố làm từ thịt ngựa; người Tày có món xôi ngũ sắc, măng nhồi thịt, thịt lợn kho trám thì người Thái được biết đến nhiều qua các món nướng như: cá nướng, gà nướng, thịt lợn nướng; người Mường có món cỗ lá, thịt trâu lá lồm…
Món thắng cố
Món thắng cố của người Mông, người Tày, người Thái thường được làm từ thịt ngựa, lòng ngựa hoặc thịt trâu, lòng trâu… Món ăn đặc trưng bởi việc pha trộn tất cả các bộ lục phủ ngũ tạng, thịt, xương sẽ được ninh nhừ với ít nhất 8 loại gia vị thảo mộc núi rừng như thảo quả, quế, hồi… Nhiều du khách quốc tế hoặc người miền xuôi lên vùng cao, lần đầu nếm thử món thắng cố sẽ cảm thấy hơi khó ăn vì mùi hương ngai ngái. Tuy nhiên, khi được ăn vài lần, đã quen với hương vị lạ này, thực khách có thể khó lòng mà dừng đũa. Thắng cố thường được đồng bào thưởng thức cùng với rượu ngô.
Món thịt trâu hun khói
Món thịt trâu hun khói hay còn gọi là thịt trâu sấy, thịt trâu gác bếp được đồng bào Thái chế biến từ thăn và bắp trâu tươi. Thịt trâu nếu có gân hoặc bạc nhạc thì phải lọc bỏ hết, sau đó thái miếng dọc thớ rộng khoảng 7 – 8cm, dài khoảng 15cm, dày khoảng 2 – 3cm, dần cho thật mềm. Đồng bào sẽ băm và giã nhuyễn sả, gừng, tỏi, ớt khô, hạt mắc khén, muối, đường… rồi trộn đều thành hỗn hợp gia vị hơi sệt… Đem hỗn hợp đó chà sát lên thịt trâu để ướp khoảng 3 tiếng cho thịt trâu ngấm đều gia vị, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều. Thịt được sấy như thế cho đến khi vừa chín, không sấy khô quá ăn sẽ bị dai và cứng, mất vị ngọt. Khi những miếng thịt trâu khô đã đượm mùi hấp dẫn rất riêng thì mới gỡ ra bọc lại cho vào tủ lạnh để ăn dần.
Còn với các hộ gia đình vùng cao vẫn đun bằng bếp củi thì sẽ treo lên trên gác bếp hun khói để dự trữ ăn dần. Khi sử dụng miếng thịt nào để ăn thì mang xuống bỏ vào chõ đồ xôi đồ cho mềm khoảng 20 – 30 phút là ăn được. Vị ngọt của thịt trâu đượm trong sự đậm đà của các gia vị tạo nên sức hấp dẫn cho đặc sản vùng cao Tây Bắc.
Món pa pỉnh tộp (cá nướng)
Đồng bào dân tộc Thái ở vùng cao Tây Bắc rất ưa chuộng hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của các món nướng như cá nướng, gà nướng. Đồng bào chế biến món đặc sản này với cách tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ mang hương vị riêng mà người dân ở vùng khác khó học theo được.
Món cá nướng (pa pỉnh tộp) được đồng bào chế biến từ những con cá suối, cá chép, cá trôi, cá trắm… Gia vị dùng để chế biến là hành củ, hành lá, rau húng, củ sả, ớt, gừng, bột riềng, thính gạo, mầm măng cây sa nhân, hạt mắc khén, muối, mì chính, bột canh… Gia vị được đồng bào giã nhỏ, sau đó nhồi vào bụng cá và chà sát bên mặt ngoài con cá cho thấm đều, để 30 phút rồi kẹp cá vào thanh tre, nướng trên lửa than. Khi nướng cá, đồng bào hơ cho con cá chín dần, chín đều.
Món cá “pa pỉnh tộp” khi chín vàng rộm, thơm lừng, mang đầy đủ từng vị ngọt béo của cá, vị cay của ớt, vị thơm của sả, riềng, cả các loại rau thơm hòa quyện một cách hoàn hảo. Thưởng thức miếng cá nướng vàng rộm, thơm lừng với cơm gạo mới; xôi dẻo ta mới thấy hết cái vị ngọt béo của cá, vị cay của quả ớt, cay của quả mắc khén, màu xanh của hành, xanh của rau thơm lẫn màu vàng của cá nướng.
Du khách phương xa lên vùng cao được thưởng thức món ”pa pỉnh tộp” với xôi nếp chấm với chẩm chéo, thêm chút rượu ngô cay cay, tê tê… khiến ngất ngây. Món cá nướng đầy quyến rũ mời gọi tất cả các giác quan của thực khách và chiều lòng tất cả mọi người, kể cả những người khó tính nhất.
Nguyệt Anh
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn