Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện công tác dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội, những năm qua, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng được nâng cao. Đồng bào các dân tộc thiểu số tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực đồng hành cùng tỉnh vươn lên xây dựng đời sống ấm no hạnh phúc.
Đồng bộ các cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Vĩnh Phúc có 59.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số Sán Dìu, Cao Lan, Dao, Tày, Mường, Nùng,… đang sinh sống tại 5 huyện thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên. Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, Vĩnh Phúc luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng chiến lược, lâu dài của toàn hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế góp phần nâng đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số
Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu thực hiện kịp thời các chính sách đối với người có uy tín của đồng bào các dân tộc như thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết; hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần khi người có uy tín ốm đau, khi người có uy tín và thân nhân qua đời, gia đình người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn; cấp Báo Vĩnh Phúc, Báo Dân tộc và Phát triển và một số ấn phẩm báo, tạp chí không thu tiền cho người có uy tín …. Tổng kinh phí thực hiện từ 2019 đến nay là t2.940 triệu đồng từ ngân sách tỉnh. Qua đó, động viên, khích lệ phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như tham gia phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong 5 năm qua, tỉnh đã cấp miễn phí hơn 30.000 thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn và người nghèo ở vùng dân tộc và miền núi của tỉnh; tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100.000 lượt người, giúp người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện được khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Những gam màu tươi sáng phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số
Với lợi thế về đất đai và nhân lực, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã chú trọng đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, các giống cây mới có năng suất cao, chất lượng tốt như cà chua ghép trên gốc cà tím, thanh long ruột đỏ, na dai…; vùng trồng dược liệu ba kích, trà hoa vàng…. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự thay đổi thói quen sản xuất tự cung tự cấp sang trao đổi hàng hóa, dịch vụ như vận tải, ăn uống giải khát, phát triển du lịch… Các điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan như Khu du lịch hồ Đại Lải, di tích lịch sử chiến khu Ngọc Thanh tại xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên; vườn Quốc gia Tam Đảo, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng dân tộc thiếu số và tăng thu nhập cho người lao động. Với những nỗ lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024 đạt khoảng 61,2 triệu đồng/người, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 0,98% (so với năm 2020 là 3,1%).
Đồng bào dân tộc thiểu số lưu giữ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi được các cấp các ngành quan tâm tiếp tục triển khai có hiệu quả, quy mô và chất lượng giáo dục, đào tạo được mở rộng và nâng cao. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đều tăng, tỷ lệ học sinh được đào tạo trình độ trung học phổ thông và tương đương đạt 80,5%. Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng. Giai đoạn 2019 – 2024, đã tổ chức tuyên dương, khen thưởng cho 1.145 lượt học sinh, giáo viên tiêu biểu là người dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo cũng như nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh đã từng bước củng cố và hoàn thiện mạng lưới cơ sở y tế, trang thiết bị kỹ thuật, khám, chữa bệnh, đến nay 100% xã miền núi được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sỹ, y sỹ, nữ hộ sinh; số lượng, chủng loại trang thiết bị y tế tại các trạm y tế đáp ứng khoảng 65% danh mục theo quy định của Bộ Y tế.
Triển khai các nhiệm vụ về công tác dân tộc trong thời gian tới, Bà Phùng Thị Kim Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự vươn lên, tạo điều kiện để đồng bào tham gia xây dựng, giám sát thi hành chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng ở địa phương. Củng cố xây dựng lượng lực nòng cốt, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, cùng với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Đức Hiền
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn