Lào Cai đưa trang phục các dân tộc thành sản phẩm du lịch đặc sắc

(TITC) – Trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ phản ánh đặc trưng của dân tộc, thể hiện bản sắc văn hóa mà còn góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Hiện nay, tỉnh Lào Cai có khoảng 25 dân tộc cùng sinh sống tạo nên sự phong phú trong sắc màu trang phục, sự đa dạng trong văn hóa, là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác phát triển du lịch.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Đỏ. Ảnh: Lê Nhật Quang

Trang phục là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn (du lịch văn hóa), vì vậy cần nghiên cứu, bảo tồn, phát huy trang phục của mỗi dân tộc trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Trang phục mang bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc và đều có những đặc điểm khác nhau. Tính đa dạng của trang phục cũng như tính thẩm mỹ đã tạo nên vẻ đẹp riêng có cho đồng bào mỗi vùng, địa phương.

Du khách đến với chợ phiên vùng cao ở Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương… đều sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp của hoa văn, màu sắc rực rỡ trên trang phục của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó…

Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng văn hóa trang phục trở thành sản phẩm đặc thù, trong đó tìm hiểu và nghiên cứu đặc điểm của trang phục, nét riêng của trang phục. Người thiết kế sản phẩm, thuyết minh quảng bá sản phẩm cần nắm vững đặc điểm, nguồn gốc, đặc trưng của họa tiết hoa văn, các biểu tượng nổi bật, từ đó thiết kế các sản phẩm mang tính độc đáo, đặc trưng.

Ở một số điểm du lịch tại Lào Cai như Cát Cát, Tả Phìn, Nậm Sài (thị xã Sa Pa), Bản Phố (Bắc Hà), Y Tý (Bát Xát)… có đặc điểm chung là khai thác di sản văn hóa của các tộc người, kết hợp với cảnh quan môi trường, xây dựng thành điểm du lịch cộng đồng. Do đó, khi đến các bản vùng cao, du khách sẽ được trải nghiệm các công đoạn tạo ra trang phục của dân tộc sinh sống tại bản đó. Điển hình như khi đến với bản Cát Cát, du khách sẽ được trải nghiệm dệt vải lanh, thêu thổ cẩm, in sáp ong, nhuộm chàm; tự tay thiết kế túi đựng điện thoại, vỏ gối, ba lô; mua sắm những bộ trang phục truyền thống của người Mông…

Cùng với đó, tại mỗi điểm du lịch, nghiên cứu xây dựng các bảo tàng trưng bày các nguyên liệu, công cụ sản xuất trang phục cũng như trưng bày các trang phục truyền thống đến các bộ trang phục đương đại của đồng bào các dân tộc. Trong đó, trưng bày các bộ trang phục truyền thống của phụ nữ, nam giới; trang phục của thầy cúng; trang phục trong lễ cưới; trang phục của trẻ em… Ngoài ra, cũng cần nghiên cứu, đưa chương trình thi trang phục, liên hoan trang phục truyền thống các dân tộc, festival trang phục truyền thống và đương đại trở thành các sự kiện mang tính thường xuyên, đáp ứng nhu cầu du khách.

Mỗi điểm du lịch ở Lào Cai có thể thiết kế các quầy bán trang phục, cửa hàng bán trang phục của dân tộc mình, trong đó cần có tính sáng tạo từ hình thức bán hàng đến thuyết minh, giới thiệu sản phẩm. Người bán hàng cần mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục đã cách tân. Bài thuyết minh phải phân tích được vẻ đẹp cũng như giá trị thẩm mĩ, giá trị lịch sử ẩn tàng trong trang phục. Người bán trang phục vừa bán hàng, vừa là hướng dẫn viên du lịch, vừa là nghệ nhân. Cho thuê trang phục truyền thống gắn với các tên gọi thú vị như “em là cô dâu người Dao đỏ”, “thiếu nữ Tày cầm đàn trên đỉnh núi”, “cô gái Mông bên khung dệt”… để du khách trải nghiệm, chụp ảnh…

Để bảo tồn, phát huy, xây dựng trang phục thành các sản phẩm du lịch, đòi hỏi sản phẩm phải chứa đựng được hồn cốt của văn hóa đồng bào dân tộc. Cần điều tra nhu cầu của du khách, định hướng du khách sử dụng các sản phẩm trang phục truyền thống được thêu dệt, cắt may thủ công. Từ đó, đề cao giá trị truyền thống, thổi hồn dân tộc vào mỗi sản phẩm.

Đáng chú ý, cần nghiên cứu, xây dựng tài nguyên trang phục các dân tộc kết hợp với các nguồn tài nguyên khác gắn với thiên nhiên, bản làng, đời sống, lễ hội… gắn với cảnh quan môi trường và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Có thể nói, tài nguyên trang phục của các dân tộc Việt Nam nói chung và các dân tộc ở Lào Cai nói riêng vô cùng đa dạng, phong phú, giàu giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử, giá trị sử dụng, giá trị văn hóa – du lịch. Đó không chỉ là nét đẹp văn hóa, mà còn tạo nên những sản phẩm du lịch, những món quà ý nghĩa dành cho du khách thập phương trong hành trình khám phá, trải nghiệm vùng đất này. Tin rằng, nét đẹp ấy sẽ tiếp tục được bà con gìn giữ, bảo tồn, đồng thời phát huy hiệu quả trong việc quảng bá, phát triển du lịch ở địa phương.

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top