Kon Tum: Liên hoan biểu diễn, trình diễn cồng chiêng – xoang của đồng bào dân tộc thiểu số
Từ 12 đến 14.12, tại không gian nhà Rông KonKlor, phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ II, năm 2024 và các phần thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS với chủ đề “Âm vang nhịp chiêng đại ngàn”. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa – Du lịch lần thứ V năm 2024.
Tham gia Liên hoan có hơn 800 nghệ nhân đến từ 10 đoàn của 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Các nghệ nhân sẽ biểu diễn 29 tiết mục ở 2 loại hình gồm: thi cồng chiêng, múa xoang; và thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS.
Theo BTC, mỗi đoàn tham gia Liên hoan sẽ gồm 2 đội nghệ nhân tiêu biểu đại diện cho 2 thôn, làng đồng bào DTTS tại địa phương. Mỗi đội sẽ thi 2 loại hình được bố trí đan xen nhau.
Trong đó, ở phần thi cồng chiêng múa xoang, mỗi đội nghệ nhân tham gia xây dựng một chương trình biểu diễn tối thiểu 3 tiết mục với thời lượng khoảng 30 phút/chương trình, bao gồm: giới thiệu và phần trình diễn các tiết mục cồng chiêng, xoang; hòa tấu nhạc cụ truyền thống kết hợp cồng chiêng; các làn điệu dân ca truyền thống được đệm cồng chiêng. Việc trình diễn các bài cồng chiêng ưu tiên sử dụng các bộ cồng chiêng truyền thống, đặc trưng của từng dân tộc.
Đối với phần thi trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống của các DTTS, các đội tham gia sẽ lựa chọn và dàn dựng, giới thiệu một lễ hội hoặc nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc trưng của dân tộc tại địa phương mình (thời lượng không quá 30 phút);
Việc tái hiện các lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống yêu cầu phải gìn giữ tối đa bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; phát huy các yếu tố tích cực, loại bỏ yếu tố tiêu cực, lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống văn hóa hiện nay.
Theo ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum, Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan, so với Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ I thì ở lần thứ II này, các đội nghệ nhân chuẩn bị rất chu đáo từ trang phục cho đến đạo cụ cũng như các tiết mục trình diễn.
Theo ông Hoàng, điểm mới trong lần thứ 2 tổ chức Liên hoan cồng chiêng, xoang là sự xuất hiện của nhiều nghệ nhân trẻ tuổi ở hầu hết các đội, đoàn tham gia. Điều này chứng tỏ, lớp trẻ hiện nay đã được các nghệ nhân lớn tuổi trao truyền lại các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình như: các bài chiêng, các làn điệu dân ca, cũng như khôi phục lại một số lễ hội truyền thống tiêu biểu…
“Điều này chứng tỏ, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS đã được các cấp, ngành, chính quyền địa phương quan tâm. Sau những lần tổ chức Liên hoan như thế này, bà con có dịp giao lưu, từ đó họ có thêm động lực để bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng đã lan toả sâu rộng đến bà con đồng bào DTTS”, Phó giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum nói và khẳng định.
“Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS, trong đó có Dự án 6. Có thể nói rằng, đây thực sự là nguồn để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương còn nhiều khó khăn. Thông qua nguồn kinh phí từ dự án công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống được tốt hơn. Người dân ở các thôn, làng vùng đồng bào DTTS đã có ý thức hơn trong việc bảo tồn các giá trị văn hoá của dân tộc mình”.
Liên hoan được tổ chức sẽ góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh. Đồng thời là dịp để các thế hệ nghệ nhân được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường tình đoàn kết gắn bó cộng đồng.
Ngọc Hòa – Trần Huấn
Báo Văn hóa – baovanhoa.vn