Độc đáo ẩm thực đặc trưng vùng Tây Bắc

(TITC) – Tây Bắc là cái nơi tập trung đông nhất các dân tộc thiểu số (DTTS) như Thái, Tày, Mường, Dao, Mông, Lô Lô, Hà Nhì… Tại vùng DTTS và miền núi nói chung, vùng Tây Bắc nói riêng, mỗi dân tộc đều có những món ăn truyền thống, mang đậm sắc thái dân tộc mình. Người dân Tây Bắc thường cầu kỳ trong chế biến món ăn khi nhà có khách quý hoặc vào các dịp lễ, Tết hoặc phục vụ khách du lịch khi đến tham quan bản làng.

Món thắng cố

Thắng cố (hay còn gọi là khấu tha hay thảng cố) là món ăn đặc trưng truyền thống của người H’mông thường được làm từ thịt ngựa, nội tạng ngựa và được ninh nhừ với ít nhất 8 loại gia vị thảo mộc núi rừng như thảo quả, quế, hồi… Trước đây, món thắng cố truyền thống của người dân tộc H’Mông chỉ được nấu từ thịt và lòng ngựa. Sau này, món thắng cố đã được cải biến sáng tạo thêm. Không chỉ có thắng cố ngựa mà còn có thắng cố bò, trâu, lợn. So với cách nấu thắng cố truyền thống, món thắng cố ngày nay cũng có một vài thay đổi để đáp ứng nhu cầu của phần lớn thực khách, đặc biệt là việc vệ sinh sạch sẽ phần nội tạng ngựa trước khi nấu.

Món Pa Pỉnh Tộp (Cá nướng)

Pa Pỉnh Tộp hay còn được biết đến với tên gọi cá nướng mắc khén là món ăn nổi tiếng của dân tộc Thái tại vùng Tây Bắc. Đây là một món ăn cổ truyền với ý nghĩa sâu sắc, thường được người dân địa phương dùng để đãi khách quý ghé thăm nhà. Bên cạnh đó, Pa Pỉnh Tộp còn góp mặt trong mâm cơm của người dân địa phương vào các dịp lễ, Tết.

Ảnh: Sưu tầm

Món ăn này đặc biệt từ cách chọn nguyên liệu, ướp, nướng đến hương vị. Pa Pỉnh Tộp hội tụ tất cả các hương vị chua, cay, ngọt, đắng không lẫn vào đâu được. Món Pa Pỉnh Tộp phải ăn nóng chấm kèm cùng gia vị chẩm chéo, cùng các loại rau như rau mùi, ớt mới chuẩn vị. Nước chẩm chéo có sự kết hợp của hạt mắc khén, tỏi nhuyễn, tiêu, ớt nước, rau mùi sẽ giúp món ăn thêm thơm ngon, đậm đà.

Nộm da trâ

Ảnh: Sưu tầm

Nộm da trâu là một món ăn dân dã của người Thái ở Tây Bắc. Món nộm da trâu khi chế biến không chỉ đơn thuần là một món ngon mà nó còn thể hiện sự tinh tế của người dân ở miền núi Tây Bắc xa xôi. Vốn được chế biến từ nguyên liệu đặc biệt nên món này đòi hỏi sự kỳ công và khéo léo. Da trâu sau khi lóc ra phải được hơ trên bếp lửa để làm sạch lớp lông dày và cứng. Phần vỏ đen ngoài cùng sẽ được cạo thật kỹ rồi mới cho vào nồi luộc chín trong khoảng 1 giờ. Để da có độ giòn dai thì trước khi thái thành từng miếng mỏng, phải ngâm với nước lạnh.

Cũng như nhiều món nộm khác lấy vị chua làm cơ bản, thế nhưng người Thái không dùng giấm hay chanh mà lại dùng nước măng. Những miếng da trâu được thái khéo léo thành từng bản mỏng vừa, đều đặn thấm đượm nước măng chua. Sau khi ngâm, da trâu có màu vàng nhạt, trông rất đẹp mắt. Một đĩa nộm đúng vị phải có sự góp mặt của đầy đủ các loại nguyên liệu, gia vị địa phương: Quả trám rừng, hạt mắc khén, mùi ta, mùi tàu, rau thơm, lạc rang, … tạo nên hương vị chẳng lẫn vào đâu của núi rừng Tây Bắc.

Thịt trâu gác bếp

Chẳng quá lời khi nói rằng thịt trâu gác bếp là đặc sản quốc dân của vùng núi Tây Bắc, là một phần văn hóa ẩm thực của các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Đây là một món ăn đặc trưng, thường xuất hiện trong các dịp lễ hội, khi tiếp khách và cũng là món quà mà du khách ưa thích mua mang về. Đối với người dân vùng cao, thịt trâu gác bếp không chỉ đơn thuần là món ăn. Đó còn là một phần của văn hóa, lối sống và tâm hồn họ. Trong các dịp lễ hội, tiếp khách hay những ngày giá lạnh, món thịt trâu gác bếp luôn là lựa chọn hàng đầu để thể hiện lòng mến khách và sự ấm áp gia đình.

Ảnh: Sưu tầm

Để có được món thịt trâu gác bếp ngon, người dân vùng cao đã truyền từ bao đời nay một quy trình chế biến tỉ mỉ. Thịt trâu được thái thành từng miếng vừa ăn, ướp với các loại gia vị như muối, gừng, tỏi, ớt… để tạo nên hương vị đặc trưng. Miếng thịt sau khi ướp gia vị sẽ được treo trên gác bếp, nơi có khói từ bếp củi. Khói từ bếp củi không chỉ giúp thịt khô nhanh mà còn tạo ra một mùi thơm đặc trưng. Khi có dịp lễ hội hoặc khách đến nhà, người Mông thường chế biến thịt gác bếp theo nhiều cách khác nhau, kết hợp với các loại rau đặc trưng của vùng cao.

Cỗ lá người Mường

Người Mường ở Việt Nam sinh sống chủ yếu ở vùng thung lũng, dọc các con sông lớn và vùng bán sơn địa, từ đó hình thành nên những tập quán ăn uống, sử dụng nguyên liệu, gia vị rất đặc trưng, tạo nên nhiều món ăn ngon, hấp dẫn.

Một món ẩm thực hấp dẫn của người Mường là mâm cỗ lá. Truyền thống của người Mường là bày cỗ trên lá chuối trong tất cả những bữa cỗ cộng đồng hoặc lễ cúng lớn trong năm. Trong mỗi dịp lễ Tết, hội hè, món ăn và cách bày trí đều có những nét riêng, chứa đựng cả một tín ngưỡng. Mâm cỗ lá người Mường có nhiều món khác nhau, như thịt gà, thịt lợn bản, lòng dồi, xôi ngũ sắc, cá suối chiên… cùng các loại rau rừng như: tầm bóp, rau dớn, bò khai, hoa chuối thái mỏng và một số loại rau thơm khác. Thưởng thức mâm cỗ lá, thực khách không chỉ cảm nhận hương vị đặc biệt của các món ăn chấm với muối hạt dổi, mà còn tìm thấy trong đó tình cảm mộc mạc, chân thành của người Mường thông qua cách bày cỗ; cảm nhận được văn hóa, phép tắc thông qua cách bày biện, trân trọng thức ăn trên mâm cỗ…

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top