Đắk Lắk: Đồng bào buôn Tul bảo tồn văn hóa truyền thống
Nằm ngay dưới chân dãy Chư Yang Sin hùng vĩ, có hai con suối đầu nguồn Ea Sai và Ea M’hắt chảy qua, buôn Tul, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) hiện có 108 hộ, 555 khẩu, trong đó 96 hộ là đồng bào dân tộc M’nông.
Những năm qua, đồng bào trong buôn luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Nhiều nghi lễ truyền thống như: cúng cầu mưa, cúng lúa mới, cúng mừng sức khỏe, đặc biệt là lễ cúng bến nước… vẫn được bà con buôn Tul duy trì tổ chức hằng năm. Cuộc sống của bà con giờ đã khấm khá hơn nhiều so với trước đây, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng vừa đẹp, kiên cố nhưng bà con vẫn lưu giữ nhà sàn truyền thống. Hiện nay buôn Tul còn 70 gia đình vẫn giữ lại nhà sàn.
Ông Y Thác Niê Kdăm tâm sự: “Người M’nông rất thích ở nhà sàn vì hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt lâu đời của bà con. So với những buôn khác trong xã Yang Mao thì buôn Tul vẫn còn giữ được nhiều nhà sàn nhất. Có được điều này là do những người lớn tuổi trong buôn luôn nhắc nhở con cháu mình, phải gìn giữ nếp nhà sàn truyền thống”.
Hằng năm cứ đến cuối năm âm lịch, buôn Tul lại tổ chức lễ cúng bến nước.
Bên cạnh đó, trong buôn Tul còn nhiều nghệ nhân duy trì được các nghề truyền thống của người M’nông như: đan lát, dệt thổ cẩm, đẽo tượng nhà mồ… Theo thống kê, hiện buôn Tul có 11 nghệ nhân thường xuyên dệt thổ cẩm, 20 nghệ nhân đan, 1 nghệ nhân tạc tượng nhà mồ. Tiêu biểu như nghệ nhân dệt thổ cẩm Aduôn Trường, Amí Hà; nghệ nhân đan truyền thống Ama Cao, Ama Giàu; nghệ nhân tạc tượng Ama Ngơn… Nhiều gia đình còn giữ được bộ khung dệt và thường xuyên dệt thổ cẩm để dùng trong gia đình hay làm quà tặng.
Việc sinh hoạt, giao lưu văn hóa cồng chiêng, hát ayray vẫn được các nghệ nhân thường xuyên thể hiện trong các lễ cúng, lễ hội của buôn làng hay tham dự các đợt liên hoan do địa phương tổ chức và đem về nhiều giải thưởng. Một số nghệ nhân lớn tuổi đã dành thời gian mở các lớp dạy chiêng kram, hát ayray cho lớp trẻ trong buôn. Buôn Tul hiện còn giữ được hàng chục bộ cồng chiêng, ché, ghế kpan, nhạc cụ dân tộc; đặc biệt có 6 bộ chiêng cổ, 8 ché cổ với tuổi đời có lẽ cả trăm năm…
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Aduôn Trường là người dệt ra những sản phẩm có họa tiết hoa văn đẹp, tinh xảo.
Yang Mao có hai con suối đầu nguồn là suối Ea Sai và suối Ea M’hắt nước chảy róc rách quanh năm. Từ nguồn nước tự nhiên này, người dân buôn Tul đã tận dụng làm hơn 30 ha lúa nước. Dự án phát triển lâm nghiệp vùng Tây Nguyên (FLITCH) đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cho bà con trong buôn công trình nước sinh hoạt tự chảy, dẫn về tận hộ dân sử dụng với kinh phí gần 4 tỷ đồng.
Để bảo vệ đầu nguồn nước và duy trì bến nước, được Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp nhiệt đới – TROPENBOS Việt Nam hỗ trợ giống cây, hướng dẫn cách chăm sóc cây trồng, bà con buôn Tul đã trồng được 35 ha cây các loại như keo lai, gáo đỏ, sao đen trên diện tích đất đầu nguồn để bảo vệ nguồn nước. TROPENBOS Việt Nam còn hỗ trợ xây dựng cho buôn Tul bến nước đẹp, với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng.
Ông Y Thiệp Niê, Trưởng buôn Tul vui mừng chia sẻ: “Vào dịp cuối tháng Chạp âm lịch hàng năm, sau khi thu hoạch mùa màng xong, bà con trong buôn đều tổ chức lễ cúng bến nước một cách trang nghiêm. Nay có bến nước đẹp, khang trang, sạch sẽ ngay cạnh nhà sinh hoạt cộng đồng của buôn là điều kiện thuận lợi để bà con trong buôn làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh của người M’nông”.
Buôn Tul được công nhận buôn văn hóa năm 2009, là điểm sáng trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, việc bảo tồn, phát huy những nét đẹp truyền thống văn hóa của đồng bào M’nông ở buôn Tul chưa thật sự bền vững. Một số phong tục, tập quán truyền thống vẫn có nguy cơ bị mai một. Ông Y Nguyệt Mdrang, Bí thư Chi bộ buôn Tul cho biết, để việc bảo tồn một cách bền vững, ngoài sự nỗ lực, ý thức giữ gìn của bà con trong buôn thì rất cần sự quan tâm, đầu tư hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tùng Lâm
Báo Đắk Lắk – baodaklak.vn – Đăng ngày 02/12/2024