Đắk Lắk: Cơ hội cho sản phẩm đặc trưng huyện Lắk

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu và là địa bàn sinh sống của người M’nông bản địa nên huyện Lắk sở hữu nhiều sản phẩm đặc trưng có tiềm năng lớn như lúa gạo, trứng vịt, gốm cổ Yang Tao…

Thời gian qua, để những sản vật có tiềm năng trở thành thế mạnh, mở rộng thị trường thương mại, địa phương đã nỗ lực xây dựng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

“Lên đời” cho sản phẩm tiềm năng

Nhờ được chế biến từ nguyên liệu gạo nếp trồng ở địa phương, rượu gia truyền của người Thái Bình sinh sống trên đất xã Buôn Triết mang hương vị đặc biệt. Đầu năm 2024, ông Phạm Văn Khoa (thôn Mê Linh 1, xã Buôn Triết) đã đứng ra đăng ký thành lập cơ sở kinh doanh Rượu nếp Tư Khoa để xây dựng sản phẩm OCOP.

Ông Khoa là hộ nấu rượu nếp Thái Bình hơn 30 năm qua tại địa phương. Quy trình chế biến rượu của gia đình ông hoàn toàn thủ công từ khâu nấu cơm, ủ, lên men, chưng cất cho đến đóng chai nên giữ nguyên được hương vị tự nhiên và truyền thống. Mặc dù rượu của gia đình ông nấu bảo đảm chất lượng, mỗi năm bán ra thị trường hơn 5.000 lít nhưng hiện tại chỉ chủ yếu bán cho khách hàng quen trong và ngoài tỉnh.

Khách hàng tìm hiểu thông tin sản phẩm Rượu nếp Tư Khoa (thôn Mê Linh 1, xã Buôn Triết, huyện Lắk) tại Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024.

Ông Khoa chia sẻ, tháng 11 vừa qua, nhờ được địa phương hỗ trợ các quy trình đánh giá, sản xuất nên sản phẩm rượu nếp của gia đình được phân hạng OCOP 3 sao. Sau khi đạt chuẩn OCOP, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện trưng bày tại Hội chợ công thương và sản phẩm OCOP – Đắk Lắk năm 2024. Đây là cơ hội lớn để ông phát huy thế mạnh địa phương, quảng bá thương hiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Còn xã Yang Tao là địa phương nằm ở cuối nguồn con sông Mẹ (sông Krông Ana) trước khi hợp lưu cùng sông Cha (sông Krông Nô) thành dòng Sêrêpốk đổ ngược về phía Tây. Bởi vậy, dọc sâu bãi bồi ven sông có nhiều vỉa đất sét dẻo mịn là nguồn nguyên liệu dồi dào để các Mei (“mẹ” trong tiếng của người M’nông R’lăm) dùng làm gốm thủ công truyền thống.

Chính quyền địa phương nhận định, đây là một trong những nghề thủ công hiếm hoi ở vùng Tây Nguyên còn được bảo tồn cho đến ngày nay và rất có tiềm năng trên thị trường. Với cách làm hoàn toàn thủ công từ nhào nặn, tạo hình, phơi khô, nung… nên nghề làm gốm này thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, ở đây chỉ còn một số nghệ nhân lớn tuổi biết làm gốm.

Trước nguy cơ bị mai một, địa phương và ngành chức năng đang thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn, duy trì nghề làm gốm, gắn với phát triển kinh tế. Theo đó, năm 2024, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ thể kinh doanh H’Huyên B’hôk (buôn Dơng Băk, xã Yang Tao) hoàn thiện quy trình sản xuất, đánh giá sản phẩm gốm Ché mẹ bồng con (Dăng Bă Kuôn) đạt OCOP 3 sao cấp huyện.

Theo chị H’Huyên B’hôk, mỗi sản phẩm gốm không chỉ đơn thuần là vật dụng sinh hoạt mà còn là một tác phẩm nghệ thuật mang đậm hồn cốt dân tộc, kết tinh từ bàn tay khéo léo và tâm hồn của nghệ nhân. Gốm Ché mẹ bồng con là sản phẩm được nhiều khách du lịch yêu thích bởi nó không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ, mà còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Trong quá trình làm sản phẩm OCOP, chị đã thay đổi được phương thức, tư duy kinh doanh sản phẩm. Theo đó, được chính quyền địa phương hướng dẫn, chị thiết kế bao bì, nhãn mác sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường và hình ảnh truyền thống của nghệ nhân làm gốm. Nhờ vậy, mỗi sản phẩm được đóng gói cẩn thận, với thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình sản xuất và ý nghĩa để khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin đặt mua. Hy vọng, sau khi được “khoác áo mới”, sản phẩm sẽ tiếp cận, mở rộng thị trường để nâng cao giá trị kinh tế, tạo động lực cho bà con lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tạo điều kiện mở rộng thị trường

Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao Y Wu Sruk cho hay, hiện nay tại địa phương chỉ còn 5 – 6 hộ, với trên 10 nghệ nhân biết làm gốm cổ. Bởi vậy, sau khi sản phẩm gốm Ché mẹ bồng con được công nhận OCOP, chính quyền xã đã quan tâm hỗ trợ chủ thể kinh doanh kết nối với đơn vị du lịch trong và ngoài huyện để mở rộng thị trường. Đồng thời, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để từng bước phát triển sản phẩm. Thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ mở lớp dạy nghề làm gốm truyền thống, tạo mẫu mã, nguồn hàng ổn định. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng cho chủ thể tham gia OCOP thụ hưởng một số chính sách liên quan đến làng nghề truyền thống để tiếp cận nguồn vốn, mở rộng cơ sở sản xuất, phát triển các sản phẩm gốm địa phương.

Sản phẩm Ché mẹ bồng con được công nhận OCOP 3 sao cấp huyện trưng bày tại kệ hàng của hộ kinh doanh H’Huyên B’hôk (buôn Dơng Băk, xã Yang Tao, huyện Lắk).

Ông Võ Thành Huệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk cho biết, sau khi công nhận một số sản phẩm tại địa phương đạt chuẩn OCOP, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, hỗ trợ các chủ thể tiêu thụ. Ngoài ra, huyện còn chú trọng hỗ trợ chủ thể phát triển, nâng cấp sản phẩm để đáp ứng tiêu chuẩn phân loại hạng OCOP cao hơn theo quy định. Trong đó, ưu tiên phát triển các nông sản chủ lực, ngành nghề nông thôn truyền thống tại địa phương như: gạo, trứng vịt, cà phê, gốm cổ của người M’nông R’lăm…

Bên cạnh đó, địa phương sẽ hỗ trợ các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phối hợp triển khai xây dựng một số điểm quảng bá, bán sản phẩm OCOP; thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý chất lượng, việc sử dụng tem nhãn, logo… đối với chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để các hộ kinh doanh sản phẩm đặc trưng của huyện bán hàng trên sàn thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp qua hình thức livestream…

Khánh Huyền

Scroll to Top