Cao Bằng: Khai thác giá trị tinh hoa ẩm thực bản địa trong phát triển du lịch bền vững
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định phát triển du lịch, dịch vụ bền vững là một trong 3 “đột phá” trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Trong đó, phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, trọng tâm là du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch cộng đồng, quan tâm hỗ trợ phát triển điểm du lịch cộng đồng; định hướng phát triển du lịch phải bám theo công viên địa chất toàn cầu, lấy đó làm cốt lõi để phát triển du lịch.
Tỉnh tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng mang đậm sắc thái địa phương, khẳng định thương hiệu du lịch đặc trưng miền núi của Việt Nam; gắn du lịch tham quan, nghỉ dưỡng và tìm hiểu, khám phá cảnh quan thiên nhiên, thưởng thức những nét độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực, gắn ẩm thực với những thảo dược đặc hữu ở địa phương đang là một trong những sản phẩm thu hút sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỉnh chưa khai thác hết giá trị tiềm năng của ẩm thực trong tổng thể phát triển du lịch của địa phương. Hệ thống nhà hàng, khách sạn mặc dù được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách du lịch, song “nội hàm” của du lịch không chỉ có lưu trú mà du lịch được xem là ngành “công nghiệp” kinh doanh tổng hợp đa lĩnh vực, đa ngành nghề từ đi lại, nghỉ ngơi, tham quan, khám phá, trải nghiệm, đặc biệt là thưởng thức các món ăn, nghệ thuật chế biến ẩm thực mang phong vị đặc sắc các dân tộc bản địa đang là sản phẩm thu hút du khách.
Đến Cao Bằng du khách không chỉ được sống trong không gian thiên nhiên của di sản địa chất với những phong cảnh hữu tình thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Mắt Thần núi, đèo Khau Cốc Chà, đồi cỏ cháy Vinh Quý…; mà còn được khám phá các nét văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc bản địa: Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội chọi bò, Chợ tình Phong lưu, Lễ cấp sắc (dân tộc Dao), Lễ mừng cơm mới (dân tộc Tày, Nùng), Lễ hội tranh đầu pháo, Lễ hội Nàng Hai, Lễ hội Thanh Minh, Lễ cúng Thần Ong… Khi đến Cao Bằng, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực được chế biến từ các sản phẩm tại địa phương từ bàn tay chế biến của các nghệ nhân: bánh cuốn nóng, áp chao thịt vịt, lạp sườn, thịt treo gác bếp, bò sấy khô, phở chua, nằm khau, vịt quay, cốm hạt dẻ, gà tần lá ngải, cá suối, rượu nếp hấp trứng. Bên cạnh đó có nhiều loại hoa quả thơm ngon nổi tiếng như: hạt dẻ Trùng Khánh, lê vàng, mận máu (Bảo Lạc, Thạch An); quýt Trà Lĩnh (Trùng Khánh), thanh long (Nguyên Bình)… là sản phẩm du lịch đặc trưng của miền Non nước Cao Bằng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh kết nối với các hội đầu bếp Việt Nam và các hội đầu bếp các tỉnh, thành phố xúc tiến thành lập Chi hội đầu bếp tỉnh. Đây là sự kiện có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch ở địa phương. Với vai trò tập hợp đội ngũ đầu bếp, các đơn vị chế biến và cung cấp thực phẩm, nguyên liệu đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm hướng đến một mô hình ẩm thực xanh, an toàn đối với du khách, góp phần phát triển du lịch bền vững. Bà Trương Thị Minh Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ: Cao Bằng là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế về cảnh quan, văn hóa, đặc biệt là những ẩm thực độc đáo, phong phú nhưng du khách khi đến Cao Bằng vẫn thiếu thông tin giới thiệu về các món ăn địa phương, các nhà hàng, khách sạn chủ yếu quan tâm tới lưu trú và dịch vụ tour, chưa quan tâm quảng bá, giới thiệu về ẩm thực của địa phương. Các đầu bếp chưa có diễn đàn để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chế biến các món ăn, kết hợp các loại nguyên liệu trong chế biến ẩm thực tạo nên những món ăn mới lạ và mang đậm hương vị của địa phương.
Tháng 9/2023, tỉnh triển khai thí điểm vận hành du lịch tại Khu du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) – Đức Thiên (Trung Quốc) hướng tới trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch qua biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh. Phát triển du lịch bền vững gắn với mô hình Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, thông qua các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng của Cao Bằng, trong đó có thưởng thức những món ăn dân tộc địa phương đang tạo nên sự khác biệt.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định 3 nhiệm vụ đột phá chiến lược: phát triển du lịch, dịch vụ bền vững, đưa du lịch – dịch vụ Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du miền núi phía Bắc. Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến nhằm xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước.
Để hình ảnh Non nước Cao Bằng đến với du khách trong và ngoài nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành, thực hiện nhiều chương trình có hiệu quả; công tác xúc tiến quảng bá du lịch ngày càng được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và tập trung khai thác phục vụ du lịch như: Lễ hội về nguồn Pác Bó, Lễ hội du lịch thác Bản Giốc, nâng cấp Lễ hội Thanh Minh tại xã Phúc Sen (Quảng Hòa) thành lễ hội gắn kết làng nghề truyền thống.
Trong các sự kiện văn hóa của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Công thương, các địa phương và Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các hội chợ nông sản, cuộc thi chế biến ẩm thực nhằm giới thiệu, quảng bá nghệ thuật ẩm thực, các món ăn độc đáo của địa phương tới du khách trong nước và quốc tế. Một số món ăn của Cao Bằng được du khách ưa chuộng, được bình chọn là đặc sản ẩm thực nổi tiếng khu vực Việt Bắc như: bánh cuốn canh, phở chua, lạp sườn hun khói, vịt quay 7 vị, bánh khảo, bánh trứng kiến, chè lam, xôi trám, áp chao…
Bánh cuốn Cao Bằng.
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Hiệp hội hiện có trên 160 thành viên tham gia sinh hoạt tại 6 chi hội. Với chức năng tập hợp các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thời gian qua, thành viên hiệp hội là nòng cốt tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện vặn hóa, du lịch thông qua hoạt động, sự kiện tiêu biểu: Tuần lễ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Chương trình giới thiệu tỉnh Cao Bằng tại Bộ Ngoại giao, Hội chợ Du lịch Asean, Hội chợ du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc, du lịch qua các miền di sản Việt Bắc, Lễ hội thác Bản Giốc, Tuần lễ Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh… Ngoài ra, Hiệp hội tổ chức nhiều hoạt động liên kết, hợp tác với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, góp phần khai thác, mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh tăng cường phối hợp với Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức các đoàn khảo sát với sự tham gia của các đơn vị lữ hành trên cả nước; đồng thời tổ chức đoàn khảo sát các tour, tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh trong việc xây dựng tour, tuyến du lịch khu vực. Triển khai hiệu quả “Đề án phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2035”; quan tâm đầu tư phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống; khai thác lợi thế giá trị của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; tập huấn, đào tạo nhân lực, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền, quảng bá trên các nền tảng số. Tham mưu cho ngành chức năng ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch xanh, du lịch tâm linh gắn với khám phá những nét văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc nhằm tạo thương hiệu đặc trưng của Non nuớc Cao Bằng trong hành trình trải nghiệm, khám phá du lịch miền núi Việt Nam.
Việt Hùng