Bình Phước: Gìn giữ di sản văn hóa

Đan gùi là nghề thủ công truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, gắn liền với cuộc sống của đồng bào S’tiêng. Ngay cả một số người S’tiêng cũng gặp không ít khó khăn khi làm ra những sản phẩm hoàn hảo. Thế nhưng, là người Kinh, sinh ra tại tỉnh Hải Dương, anh Phạm Quốc Hưng lại có tình yêu sâu sắc với nghề này.

Hiện sinh sống ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, anh Hưng không chỉ mưu sinh bằng nghề đan gùi mà còn gìn giữ, phát triển và truyền nghề cho thế hệ trẻ S’tiêng. Với niềm đam mê và sự khéo léo, anh trở thành cầu nối giữa các thế hệ, bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghề đan gùi, góp phần làm phong phú thêm di sản văn hóa Việt Nam.

Gắn bó với nghề

Gần 20 năm gắn bó với nghề, anh Phạm Quốc Hưng đã đan hàng trăm chiếc gùi với nhiều kích cỡ, màu sắc và các vật dụng sinh hoạt khác nhau. Anh Hưng chia sẻ: “Từ khi lên sóc Bom Bo, nhìn thấy những chiếc gùi là tôi đã đam mê. Có khi đan quên cả ăn cơm. Cầm gùi lên, tôi như bị quyến rũ, cứ nghĩ “đan xong cái nan này rồi sẽ ăn”, nhưng rồi không dừng lại được. Hiện nay, lúc nào rảnh là tôi lại đan gùi, không chỉ vì thu nhập mà vì đam mê, cái duyên với nghề thủ công truyền thống đặc sắc của dân tộc S’tiêng. Cái gùi gắn bó với đời sống gia đình tôi, ăn sâu vào tiềm thức, vào máu, vào tim tôi”.


Anh Phạm Quốc Hưng chia sẻ với phóng viên về niềm đam mê nghề thủ công truyền thống đan gùi của dân tộc S’tiêng

Chiếc gùi đối với anh không chỉ là công cụ sinh hoạt mà còn là biểu tượng của tình yêu, sự cống hiến và niềm tự hào về văn hóa dân tộc. Nó gắn kết sâu sắc với cuộc sống và tâm hồn anh, đồng thời là minh chứng cho sự bền bỉ, kiên trì trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Anh Hưng chia sẻ, cái duyên đã đưa anh đến với nghề đan gùi và cũng là sự khẳng định tình yêu anh dành cho vợ và gia đình mình. Sự gắn kết bền chặt này đã giúp anh vượt qua những khó khăn của một thanh niên “ngoại đạo”, người dân tộc Kinh, khi học nghề đan gùi truyền thống của dân tộc S’tiêng.

Câu chuyện tình yêu và giữ nghề truyền thống

Anh Hưng nhớ lại, những ngày đầu học nghề rất khó khăn. Mỗi công đoạn đều yêu cầu sự kiên trì và chính xác tuyệt đối. Chỉ cần sai một sợi dây là chiếc gùi sẽ không thể hoàn thành. Niềm động viên lớn nhất của anh chính là vợ, chị Thị Khắp – người con gái S’tiêng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bom Bo. Chị luôn khích lệ, chia sẻ, ủng hộ và góp ý cho anh từng chi tiết nhỏ nhất để tạo ra những chiếc gùi hoàn chỉnh.


Vợ chồng anh Phạm Quốc Hưng trao đổi về kỹ thuật đan gùi


Anh Phạm Quốc Hưng tỉ mỉ trong từng khâu để làm ra chiếc gùi bền, đẹp

Sự ủng hộ vô điều kiện từ vợ đã trở thành động lực mạnh mẽ giúp anh vượt qua mọi thử thách. Năm tháng tôi luyện, anh Hưng không chỉ trở thành người đan gùi có tiếng mà còn “giữ lửa” nghề truyền thống, mang lại niềm tự hào cho bản thân, gia đình và cộng đồng thôn Bom Bo, xã Bình Minh.

“Chồng tôi là người Kinh, nhưng anh rất chăm chỉ tìm tòi, học hỏi để biết cách đan gùi và các vật dụng khác của người S’tiêng. Dù anh làm gì, tôi đều ủng hộ hết mình. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc, vì có những thứ mà nhiều người phải bỏ tiền ra mua, thì tôi lại có sẵn ngay trong nhà, do chính tay chồng làm ra” – chị Thị Khắp tự hào.

Anh Hưng chia sẻ: Nghề đan gùi không chỉ nuôi sống gia đình tôi mà còn giúp lưu giữ và phát huy nghề đan lát truyền thống của dân tộc S’tiêng. Nghề này đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn. Để có sản phẩm bền đẹp, khâu chọn nguyên liệu rất quan trọng, cần có kinh nghiệm. Nếu chọn nguyên liệu kém, đồ dùng sẽ nhanh hư. Sau khi khai thác nguyên liệu như cây lồ ô, dây mây rồi đem chặt, phơi khô, chẻ nhỏ thành sợi nan, tiếp tục vót mỏng. Những chiếc nan phải chuốt đều, khi đạt yêu cầu mới đan được đẹp và bền. Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được treo trên gác bếp để hun khói, giúp tránh mối mọt, bền đẹp hơn. Những chiếc gùi tôi làm có sự pha trộn nhiều màu sắc bắt mắt, theo yêu cầu của khách hàng, đây cũng là sự sáng tạo trong nghề. Một chiếc gùi thường mất khoảng 10 ngày để hoàn thành, nhưng giá bán chỉ từ 500-800 ngàn đồng, tùy kích cỡ. Bình quân mỗi tháng tôi bán được 2-3 chiếc cho bà con trong thôn và khách du lịch. Nhờ đan gùi, tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.


Anh Phạm Quốc Hưng đan lát cùng với già làng Điểu Dê


Anh Phạm Quốc Hưng hướng dẫn đánh cồng cho con trai mình

Trong nhiều năm làm nghề, anh Hưng đã đan hàng trăm chiếc gùi với đủ kích cỡ, màu sắc, cùng những vật dụng khác như nia sảy lúa, nong phơi lúa, cái cần ố… Sản phẩm được anh đan tinh xảo, là vật dụng thiết yếu sử dụng trong đời sống hằng ngày của người dân thôn Bom Bo.

Anh Phạm Quốc Hưng là người Kinh nhưng biết đan nhiều loại vật dụng truyền thống của dân tộc S’tiêng. Ngoài đan gùi tại nhà, anh Hưng còn hướng dẫn, chỉ dạy người dân trong thôn về nghề đan lát. Việc làm của anh không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống mà còn lan tỏa niềm đam mê, tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ học hỏi, gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc. – Anh ĐIỂU MON ở thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng

Gắn bó với nghề đan gùi hơn nửa đời người, anh Hưng quyết tâm gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này, như lời hứa với vợ. Anh cũng tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ, với hy vọng nghề đan gùi của dân tộc S’tiêng sẽ trường tồn.

Điểu Lành – Thổ Thanh

Báo Bình Phước – baobinhphuoc.com.vn – Đăng ngày 13/11/2024

Scroll to Top