Nhà rông – Vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên
(TITC) – Đến với Tây Nguyên, vẻ đẹp phóng khoáng của đất trời, hùng vĩ của thiên nhiên, cởi mở, hào sảng của con người luôn níu chân du khách khi đến với miền đất đầy nắng và gió này. Một trong những điều để lại ấn tượng với du khách là kiến trúc độc đáo của ngôi nhà rông – biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên, thể hiện giá trị vật chất và tinh thần trong đời sống đồng bào.

Ảnh sưu tầm
Công trình kiến trúc đặc trưng này xuất hiện nhiều tại các buôn làng người dân tộc khu vực phía bắc Tây Nguyên, đặc biệt ở hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Nhà rông là không gian sinh hoạt cộng đồng lớn nhất mỗi làng; nơi người dân trao đổi, thảo luận về các lĩnh vực hành chính, quân sự; nơi thực thi các luật tục, bảo tồn truyền thống và diễn ra những nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng.
Nhà rông của các dân tộc cũng khác nhau. Kích thước nhà rông nhỏ và thấp nhất là của người Giẻ Triêng. Nhà rông của người Xê Ðăng cao vút. Nhà rông của người Gia Rai có mái mảnh, dẹt như lưỡi rìu. Nhà rông của người Ba Na to hơn nhà Gia Rai, có đường nét mềm mại và thường có các nhà sàn xung quanh. Điểm chung của các ngôi nhà rông là được xây cất trên một khoảng đất rộng, nằm ngay tại khu vực trung tâm của buôn làng.
Nhà rông của mỗi dân tộc cũng có lối kiến trúc, tạo dáng và trang trí hoa văn khác nhau. Nhưng cơ bản giống nhau là sàn nhà rất rộng, được thiết kế gắn liền với văn hóa quây quần uống rượu cần của đồng bào. Chiều dài của mỗi ngôi nhà rông thường khoảng chừng 10m, rộng 4 – 6m, cao 15 -16m, nóc nhà có 2 mái được lợp bằng cỏ tranh hay lá. Sàn nhà được ghép bằng những tấm ván gỗ hay lồ ô, 2 đầu nhà đặt 2 bếp lửa để sưởi ấm vào những ngày đông và để tổ chức lễ hội. Hai bên vách được đan bằng tre, nứa, lồ ô, tạo nên một dải hoa văn rất độc đáo và lạ mắt. Cửa chính được mở ở giữa một vách chính, cửa phụ được mở ở hông bên phải của cửa chính.
Cầu thang thường có 7 đến 9 bậc, tuy nhiên mỗi dân tộc lại có trang trí khác nhau. Trên thành và cột của cầu thang, người Gia Rai hay tạc hình quả bầu đựng nước, người Bana khắc hình ngọn cây rau dớn, còn người Giẻ Triêng, Xơ Đăng thường đẽo hình núm chiêng hoặc mũi thuyền.
Nhà Rông là thiết chế văn hóa cổ truyền không thể thiếu đối với mỗi buôn làng Tây Nguyên, là biểu tượng sinh động, đầy kiêu hãnh của văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, đóng góp vào di sản văn hóa chung của các dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam.
Ngay tại Hà Nội, người dân và du khách cũng có thể tham quan và chiêm ngưỡng vẻ đẹp nhà rông Tây Nguyên tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam. Toàn bộ vật liệu xây dựng chuyển từ Kon Tum ra, do chính 30 công dân người Ba Na Kon Tum ra Hà Nội thi công trong gần nửa năm.
Trung tâm Thông tin du lịch