Mùa vàng trên Mù Cang Chải

Mùa vàng trên Mù Cang Chải

(TITC) – Mù Cang Chải là một huyện miền núi của Yên Bái, cách Hà nội chừng 300km. Mù Cang Chải là điểm “check in” không thể thiếu của dân phượt và những người mê nhiếp ảnh. Đặc biệt, vào khoảng tháng 9 hàng năm, những tín đồ “xê dịch” thường đổ về Mù Cang Chải để khám phá mùa vàng trên những thửa ruộng bậc thang được cho đẹp nhất vùng Tây Bắc này.

Mù Cang Chải không chỉ đẹp trong nước mà còn nổi tiếng ở nước ngoài. Bằng chứng là kênh truyền hình CNBC của Mỹ đã từng giới thiệu Mù Cang Chải là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trong năm. CNBC cho rằng, hành trình khám phá Mù Cang Chải là phải khám phá các thửa ruộng bậc thang, khám phá văn hóa của những đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Mông, Dao đỏ và thưởng thức các món ăn địa phương đậm chất truyền thống. Quần thể ruộng bậc thang Mù Cang Chải cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích danh thắng quốc gia.

Ruộng bậc thang hình hình móng ngựa khá đặc trưng ở Mù Cang Chải. Ảnh: TITC

Từ TP. Yên Bái di chuyển theo Quốc lộ 32 qua huyện Trấn Yên, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ thì đến Mù Cang Chải. Mùa lúa chín, cả thung lũng Mù Cang Chải như được khoác lên một tấm áo vàng rực rỡ của nắng, của lúa chín. Ngày mùa, người dân Mù Cang Chải rộn ràng như vào hội. Cả thung lũng thơm mùi lúa mới, những gương mặt vui tươi của người dân địa phương xen lẫn những gương mặt háo hức, mê mải của du khách tạo nên một bức tranh đầy màu sắc. Nếu ai từng một lần chiêm ngưỡng khung cảnh ấy, sẽ khó có thể nào quên được. Bên cạnh đó, đèo Khau Phạ được xem như cổng trời của Yên Bái, là một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc, được đánh giá là địa điểm đẹp đứng thứ 4 trên thế giới để cho các phi công bay dù lượn. Đây là những điều kiện để Mù Cang Chải phát triển mạnh kinh tế du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.

Du khách hào hứng với vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Ảnh: TITC

Đến Mù Cang Chải cũng không nên bỏ lỡ các địa danh như La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình… Ruộng bậc thang Chế Cu Nha thoai thoải, nối tiếp nhau trải dài trên khắp sườn đồi; được tô điểm thêm bởi những nếp nhà yên bình của người dân bản địa. Ruộng bậc thang La Pán Tẩn nổi tiếng với những đồi mâm xôi độc đáo có mọt không hai. Ruộng bậc thang Dế Xu Phình lại nổi bật với những thửa ruộng hình móng ngựa; từng lớp, từng lớp nối nhau chạy quanh khe núi…

Người dân Mù Cang Chải rất thân thiện, đặc biệt là tại các xã phát triển du lịch cộng đồng. Bà con luôn niềm ở chào đón du khách đến nơi đây trải nghiệm. Du khách có thể tham gia công việc đồng áng; được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của người Mông, được thức dậy ra đồng từ sáng sớm…; hay tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa đúng cách; được hướng dẫn sử dụng các dụng cụ truyền thống để làm các công đoạn trồng lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Du khách cũng có thể trải nghiệm những giá trị văn hóa của người Mông như đám cưới, lễ hội, dệt vải, nhuộm chàm; đi bộ đường dài, đạp xe và chụp ảnh… Anh Giàng A Dê, một hộ hoạt động homestay ở La Pán Tẩn cho biết, du khách đến địa phương là để trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của bà con, họ có thể tham gia cày, cấy, gặt lúa, hái sơn tra… Giàng A Dê cũng tận dụng du khách nước ngoài ở homestay của mình để dạy thêm tiếng Anh miễn phí cho trẻ em trên địa bàn. Đổi lại, Giàng A Dê mời du khách thưởng thức các món ăn bản địa, dẫn họ tham quan đời sống thường ngày của người Mông.

Đồng bào Mông thực hiện công việc nữ công hàng ngày bên ruộng bậc thang để thu hút du khách. Ảnh: TITC

Quần thể danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã góp phần tôn thêm vẻ đẹp bao la, hùng vĩ của vúi rừng Tây Bắc; làm nổi bật sự mạnh mẽ của đồng bào dân tộc bản địa. Ngày mùa, những thửa ruộng xếp san sát, nối dài, ánh lên một sắc vàng khát vọng ấm no. Gần đây, Mù Cang Chải càng thu hút số lượng khách du lịch kỷ lục với lễ hội dù lượn mùa Thu. Và Mù Cang Chải dần trở thành biểu tượng của sức cần cù, sáng tạo, bền bỉ sau những mùa vàng nối tiếp.

Trung tâm Thông tin du lịch

Scroll to Top