Mộc mạc bánh Poóc Sang Văn Lãng (Lạng Sơn)
Từ những nguyên liệu mộc mạc, dân dã như: gạo nếp, vừng, lạc, người dân tộc Tày, Nùng tại các xã Hội Hoan và Gia Miễn, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã tạo ra món bánh Poóc Sang độc đáo, dẻo bùi, mang đậm hương vị quê hương. Đây là một trong những món bánh không thể thiếu của người dân nơi đây để dâng lên bàn thờ gia tiên mỗi dịp lễ, tết hoặc đãi khách phương xa.
Theo những người dân ở xã Gia Miễn và Hội Hoan, Poóc Sang là món bánh có từ lâu đời của người dân tộc Tày, Nùng tại đây. Không ai còn nhớ cái tên bánh có từ khi nào, chỉ biết từ lâu, ông bà đã gọi cái tên bánh như vậy.
Để tìm hiểu về cách làm món bánh độc đáo này, chúng tôi đã ghé thăm gia đình chị Lý Thị Hiền, thôn Bản Miằng, xã Hội Hoan. Chị Hiền chia sẻ: Poóc Sang là món bánh truyền thống của người dân tộc Tày, Nùng. Hầu như ở xã Hội Hoan, nhà nào cũng làm loại bánh này vào các dịp lễ, tết… Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được mẹ dạy cách làm món bánh Poóc Sang truyền thống. Nguyên liệu để làm bánh Poóc Sang rất mộc mạc, bình dị nhưng để tạo ra thành phẩm thơm ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn cầu kì và đòi hỏi sự khéo léo của người làm.
Chị Lý Thị Hiền, thôn Bản Miằng, xã Hội Hoan đang cắt bánh Poóc Sang thành phẩm
Nguyên liệu để làm bánh Poóc Sang gồm có: bột gạo nếp, lạc, vừng, đường kính… Để bánh có độ dẻo, giòn, thơm ngon, khâu chọn lựa nguyên liệu rất quan trọng. Theo đó, gạo để làm bột bánh phải là gạo nếp cái, có hạt to, tròn đều, gạo nếp được ngâm từ 4 – 5 tiếng rồi mang đi sát thành bột nước và cho vào túi vải xô rồi treo lên cao để phần bột được khô. Tiếp đó, người làm bánh tiến hành nhào bột và chia bột thành các phần nhỏ, để bánh có màu đẹp mắt, ngoài bột màu trắng truyền thống, người làm bánh còn tạo màu từ quả gấc, hoa đậu biếc…
Công đoạn quan trọng nhất trong quy trình làm bánh Poóc Sang là chiên bột. Bởi lẽ, nếu người làm bánh không khéo tay thì bột sẽ bị dính hoặc chín không đều. Để thực hiện công đoạn này, người làm bánh sẽ cho một ít dầu ăn vào chảo, để chảo thật nóng rồi cho phần bột vào và dùng bàn xản dàn đều bột ra sao cho thật mỏng. Trong quá trình chiên bột, người làm bánh phải điều chỉnh lửa phù hợp, không để lửa cháy quá to để bánh không bị cháy, phải lật phần bột liên tục đến khi nào thấy phồng lên là bột đã chín.
Sau khi hoàn thành công đoạn chiên bột, người làm bánh sẽ cho nhân vào trong bánh. Nhân của bánh Poóc Sang gồm nhân lạc hoặc vừng trộn với đường kính, theo đó, phải giã cho vừng, lạc, đường kính thật nhuyễn rồi cho vào trong bánh rồi cuộn lại và cắt thành từng miếng nhỏ.
Bánh Poóc Sang thành phẩm
Những miếng bánh Poóc Sang thành phẩm cuộn thành từng lớp, khi ăn có vị giòn, thơm của vừng, bùi ngậy của lạc được người dân xã Hội Hoan lưu giữ cho đến tận ngày nay. Không chỉ là món bánh được làm vào các dịp lễ, tết, ngày nay, nhiều nhà thường làm món bánh này vào những lúc nông nhàn để ăn hoặc mời khách ở nơi xa đến.
Bà Nông Thị Hương, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi rất ấn tượng với món bánh Poóc Sang của huyện Văn Lãng, khi có dịp đến xã tôi đã được thưởng thức món bánh này. Khi ăn bánh, tôi cảm thấy bánh rất mềm, dẻo, nhưng vẫn có độ giòn, kết hợp cùng nhân lạc, vừng rất lạ miệng.
Bà Hứa Quỳnh Nga, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Văn Lãng cho biết: Bánh Poóc Sang là một loại bánh độc đáo, có từ lâu đời và chỉ có ở 2 xã Hội Hoan và xã Gia Miễn. Đây là món bánh quen thuộc và không thể thiếu của người dân trong dịp lễ, tết, đặc biệt là chợ tình (27 – 29/3 âm lịch), tiếp đãi khách quý… trở thành nét riêng trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Để góp phần gìn giữ văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc, phòng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm bánh Poóc Sang thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử của huyện; nghiên cứu đưa bánh Poóc Sang vào các chương trình, sự kiện trải nghiệm văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện…
Chẳng cần những nguyên liệu cao sang, đắt đỏ mà bằng chính những nguyên liệu giản dị, mộc mạc và thân quen nhất, qua đôi tay khéo léo của người dân đã tạo ra một món bánh độc đáo, mang đậm hương vị quê nhà. Và có lẽ, chính cái phong vị nồng nàn, đậm hồn quê ấy đã để lại ấn tượng khó quên cho những ai đã từng được thưởng thức món bánh này.
Hiểu Lam – Kim Chi
Báo Lạng Sơn – baolangson.vn