Làng dệt thổ cẩm người Mông Lùng Tám, Hà Giang

(TITC) – Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám, xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ là nơi lưu giữ truyền thống dệt thổ cẩm của người Mông trên Cao nguyên đá Hà Giang. Người dân vẫn giữ được nghề dệt vải lanh truyền thống với nguyên liệu tự nhiên và quy trình thủ công. 

Làng dệt lanh Lùng Tám ở cao nguyên đá là một điểm đến ở Hà Giang được du khách trong nước lẫn nước ngoài yêu thích

Dệt vải lanh là nghề gia truyền của nhiều gia đình người Mông ở Lùng Tám. Ngày trước, vải làm ra chỉ để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Vì quá trình làm ra sản phẩm hoàn toàn thủ công nên năng suất không cao. Hơn nữa, do chưa nhanh nhạy với thị trường nên các sản phẩm vải lanh của Lùng Tám ít được người tiêu dùng bên ngoài biết đến.

Từ năm 2001, Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám ra đời không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa mà còn trở thành địa điểm được nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến khi du lịch Hà Giang. 

Đến đây, ngoài việc tìm hiểu quy trình dệt lanh, du khách còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm các bước tạo nên một tấm vải.

Sản phẩm lanh hoàn hiện phải trải qua 41 công đoạn, từ trồng lanh, thu hoạch, bóc tách sợi, giã sợi, quay sợi, nấu sợi, dựng khung dệt…

Người Mông vẫn dệt vải thủ công bằng khung cửi. Công đoạn dệt vải thường do các nghệ nhân lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm đảm nhận để có thể xử lý các sợi đứt, xấu.

Vải dệt xong được đặt giữa một phiến đá và một trụ gỗ. Người thợ đứng lên trên phiến đá lăn qua lăn lại cho đến khi toàn bộ bề mặt vải được cán phẳng, mềm và mịn mới mang đi ngâm với tro bếp củi một tuần cho trắng rồi phơi khô. Một tấm vải lanh đẹp phải có sợi đều, trắng, mịn. Vải lanh bền, hút ẩm nên khi mặc cho cảm giác thoáng mát.

Đây cũng là cơ sở vừa giới thiệu vừa bán sản phẩm cho du khách đến tham quan.

Các sản phẩm từ Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám có đa dạng về mẫu mã như quần áo, túi xách, ví,.. các loại sản phẩm này đều được làm hoàn toàn bằng vải lanh và được dệt hoàn toàn bằng tay theo phương pháp lâu đời. Hợp tác xã đã tìm được bạn hàng thường xuyên như tổ chức CRAFT LINK (thuộc Trung tâm nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam).

Hợp tác xã thực sự khởi sắc bắt đầu vào năm 2008, khi bà Vàng Thị Mai  – Giám đốc Hợp tác xã dệt lanh Hợp Tiến được Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam mời tham dự Hội chợ Phụ nữ năng động sáng tạo toàn cầu. Qua câu chuyện của bà cùng những hiện vật là các sản phẩm có họa tiết hoa văn tinh xảo, đối tác ở nhiều nước trên thế giới rất quan tâm tới mặt hàng vải lanh Lùng Tám.

Trung tâm Thông tin du lịch

Tin liên quan

Scroll to Top